1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành ngân hàng gỡ khó về tín dụng cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc

(Dân trí) - Tính đến hết tháng 7/2019, dư nợ tín dụng cho 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Hôm nay 4/9, tại Mộc Châu - Sơn La, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Ngân hàng tiếp vốn, doanh nghiệp hướng xuất khẩu ra nước ngoài

Thông tin do Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 7/2019, huy động vốn của toàn ngành ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng thương mại và chủ động triển khai các chương trình tín dụng cho các lĩnh vực và đối tượng ưu tiên.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Công ty CP chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung (Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: Từ khi thành lập (tháng 4/2016) đến nay đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ đầu năm 2019 tại Việt Nam bùng phát dịch Tả lợn châu Phi, khiến cho giá lợn biến động thất thường dẫn đến khó khăn cho các đơn vị chăn nuôi. Tuy nhiên với sự tạo điều kiện của các cấp các ngành, sự chia sẻ đồng hành của ngân hàng mỗi khi doanh nghiệp có khó khăn, "đến nay công ty rất tự tin trong lĩnh vực của mình đã đầu tư đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát dịch tả châu Phi".

Việc lập chốt kiểm dịch của các cơ quan nhà nước đã hạn chế được việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch sang vùng an toàn, qua đó tránh lây lan dịch bệnh, đảm bảo việc chăn nuôi an toàn cho các cơ sở chăn nuôi các vùng lân cận đồng thời phía công ty đã kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm giữ cho cơ sở chăn nuôi của đơn vị được cách ly khỏi môi trường dịch bệnh.

Trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2020 công ty sẽ triển khai phát triển dự án Trại bò tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ để tạo chuỗi cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho bà con nhân dân tỉnh Sơn La cũng như bà con nhân dân các tỉnh lân cận, tiến tới đưa sản phẩm của công ty xuất khẩu ra ngoài thị trường nước ngoài.

Hợp tác xã Ngọc Lan - Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (doanh nghiệp vừa được cấp Giấy chứng nhận là đơn vị đủ điều kiện sản xuất cây ăn quả sạch, có mã số mã vạch, mã truy suất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng) lại đề nghị các cơ quan ban nghành chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại các mặt hàng quả của tỉnh, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức các hội nghị kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình ký kết các hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm ổn định, lâu dài; Cần có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp tại các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn....

Ngành ngân hàng gỡ khó về tín dụng cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc - 1

Công đoạn sơ chế chè tại Mộc Châu - Sơn La

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, như: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro do chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả...

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thực tế hiện nay, việc triển khai cho vay vốn đối với doanh nghiệp siêu nhỏ của các tổ chức vi mô chưa có điều kiện để phát triển do nhiều mặt hạn chế, chủ yếu hạn chế về nguồn lực và hành lang pháp lý.

Do đó, Hiệp hội này đề nghị để hỗ trợ việc tiếp cận nguồn tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, cần tạo phát triển kênh tín dụng thông qua các tổ chức tài chính vi mô; trong đó cần thay đổi các quy định pháp lý theo hướng hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô mở rộng hoạt động chuyên nghiệp theo hướng thương mại hóa; tăng cường tiếp cận khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ, cho phép huy động nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân và nước ngoài.

Tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này. Trong thời gian tới tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ngành ngân hàng gỡ khó về tín dụng cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc - 2

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại hội nghị sáng nay, 4/9

Ngành ngân hàng cũng chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng, về những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; lồng ghép các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên mỗi một tỉnh huyện phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương.

Theo yêu cầu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các tổ chức tín dụng cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân. Có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ về tín dụng nông nghiệp nông thôn 14 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc

 An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm