Ngành ngân hàng: Đã qua thời chạy đua lãi suất và kiếm lãi dễ dàng

Hiện tại các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thường đánh giá cao về tính minh bạch và chủ động công bố thông tin của tổ chức tín dụng. Với những TCTD đã niêm yết hoặc là doanh nghiệp đại chúng đều phải công bố thông tin định kỳ theo yêu cầu của Thông tư 52.

Tuy nhiên, không ít thông tin vẫn được các ngân hàng giữ kín cho đến khi phát sinh vấn đề tiêu cực. Lúc này uy tín ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Một số chuyên gia cho rằng, chế tài là một chuyện nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần xem việc minh bạch thông tin là cách để bảo vệ mình và khách hàng.

Khách hàng giao dịch tại VIB
Khách hàng giao dịch tại VIB

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* “Nhiều doanh nghiệp trước đây kê khai lỗ, nay báo lãi lớn”

* Giá vàng thế giới lao dốc vì Thụy Sỹ

* Ocean Bank và Chứng khoán Đại Dương bán giải chấp cổ phiếu OGC của công ty riêng ông Hà Văn Thắm

* IPO sẽ "dồn dập" trong những tháng cuối năm?

* Chính sách tiền lương Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Ngoài ra, mặc dù việc theo đuổi lợi nhuận là mục tiêu chính đáng của ngân hàng cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, song đạt lợi nhuận bằng mọi cách lại là điều không nên có, nhất là trong một ngành có tác động lan tỏa lớn như ngành ngân hàng. Trước đây, thị trường vẫn chứng kiến những đợt huy động với lãi suất cao và hoạt động cho vay dưới chuẩn diễn ra không được kiểm soát chặt chẽ, trong khi hạ tầng, công nghệ lại thường lại không được nhiều ngân hàng chú trọng. Tuy nhiên, thực trạng đó hiện nay đã được hạn chế và cục diện đã thay đổi.

Khi nhận thức của khách hàng về tính an toàn và bền vững được nâng lên thì cuộc cạnh tranh của ngành ngân hàng cũng đã thay đổi về chất và thị trường đang tồn tại một cuộc cạnh tranh về “niềm tin” của khách hàng. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước dần ban hành Thông tư 02, Thông tư 09 yêu cầu chặt chẽ hơn về trích lập dự phòng cho các ngân hàng và bắt đầu triển khai việc tuân thủ Basel II thì những tiêu chí minh bạch và an toàn trong ngành đã được chú trọng hơn.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) nói: “Tôi tin nếu vẫn tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, trích lập dự phòng không đầy đủ và chặt chẽ, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao, nhưng điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng theo hướng này. Đối với VIB, quan điểm trích lập dự phòng đầy đủ, chia sẻ và đồng thuận, không những ở cấp HĐQT mà còn ở cổ đông để xây dựng ngân hàng an toàn, tăng trưởng bền vững, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tiến nhanh theo chuẩn quốc tế”.

Theo ông Vũ, khi tháo gỡ được “nút thắt” nợ xấu, tự khắc tín dụng ngân hàng được lưu thông, chất lượng cho vay đảm bảo và lợi nhuận sẽ đến với các ngân hàng một cách bền vững và ổn định. Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước dự phòng của VIB đạt 798 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 234 tỷ đồng đạt 72% kế hoạch cả năm 2014. Đây vẫn là ngân hàng được đánh giá là “mạnh tay” nhất trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu được kiềm ở mức 2,19%; quỹ dự phòng rủi ro lũy kế sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro vẫn duy trì ở mức gần 1.600 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục duy trì ở mức cao 17%.

Cũng trong quý 3, VIB là ngân hàng duy nhất được hãng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng hạng, trở thành 1 trong 2 ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BFSR) cao nhất trong số 9 ngân hàng lớn tại Việt Nam. Trong bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng hiện nay, việc kiên định với chính sách phát triển thận trọng và bền vững như VIB có thể không phải là duy nhất, nhưng đi đôi giữa tuyên bố với thực tiễn thì không nhiều.

Chị Vũ Lan Anh (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, thông thường, chị không để ý quá nhiều vào báo cáo tài chính hay những chỉ tiêu mang tính chuyên môn của các ngân hàng, song vẫn quan tâm đến việc “liệu tiền gửi của gia đình ở ngân hàng được sử dụng có hiệu quả và an toàn không”. Do đó, nếu ngân hàng công bố nợ xấu thấp và được quốc tế tín nhiệm thì tâm lý lo lắng của người gửi tiền cũng được giải tỏa hơn rất nhiều.

Mới đây, những thông tin dồn dập về việc Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank, VPBank lên “tích cực”; giữ xếp hạng của BIDV, VietinBank và SHB với triển vọng “ổn định”, sau đó là Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm VietinBank và Agribank…đã thổi luồng gió mới đầy tin tưởng cho người dân vào hệ thống ngân hàng hiện nay. Và dường như, người ta đã dần quên quãng thời gian khoảng 3 năm về trước, từng có những tin đồn cho rằng, hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ hoặc đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng… Thay vào đó, niềm tin được củng cố, và dòng tiền vẫn chảy về các ngân hàng cho dù lãi suất huy động không còn mức “huy hoàng” như trước.

Bích Diệp


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”