Ngành Logistics non yếu đang làm tiêu hao năng lực xuất khẩu của Việt Nam

(Dân trí) - Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics hiện đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong khoảng từ 5-10 năm tới. Tuy nhiên, dù thừa hưởng nhiều điều kiện thuận lợi, song logistics Việt Nam quy mô nhỏ, dịch vụ đơn lẻ, tính tích hợp chưa cao. Do đó, doanh nghiệp chỉ cung cấp những dịch vụ đơn giản.

Chia sẻ về thực trạng phát triển ngành logistics (cung cấp các dịch vụ xuất nhập khẩu, vận tải, kho bãi và thanh toán quốc tế, thuế, hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu...) của Việt Nam tại Hội nghị mới đây, các chuyên gia kinh tế thừa nhận, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành logistics, trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa và dịch vụ vận tải thế giới.

"Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính thức có hiệu lực, các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển sôi động. Đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam bùng nổ. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, thuận tiện cho phát triển logistics tuyến hàng hải của thế giới trong thế kỷ mới", Báo cáo của Hiệp hội VLA chỉ rõ.


Ngành Logistics Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng non yếu, chưa khai thác được lợi thế

Ngành Logistics Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng non yếu, chưa khai thác được lợi thế

Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội, thì ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, bởi áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng, trong khi các doanh nghiệp (DN) logistics nội còn đang nhiều yếu kém.

Theo ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics tại khu vực Đông Nam Á cho rằng: "Mặc dù đã có những bước phát triển ổn định, nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Hiện trạng của một ngành dịch vụ xuất nhập khẩu yếu kém đang là điểm nghẽn tiêu hao giá trị xuất khẩu Việt Nam trong thời gian qua do Việt Nam không khai thác được lợi thế, buộc phải sử dụng dịch vụ nước ngoài đắt đỏ".

Hiện theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), logistics tại Việt Nam hiện đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới. Việt Nam có điều kiện thuận lợi về tự nhiên song chưa hội đủ nhiều yếu tố nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế để tự chủ về hoạt động logistics lớn mạnh, tự đứng vững và tự cung ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho rằng, có 4 điểm khiến chỉ số năng lực quốc gia về Logistics năm 2016 của Việt Nam tụt hạng, đó là: kết cấu hạ tầng, năng lực logistics, ứng dụng công nghệ và kiểm tra chuyên ngành (liên quan đến yếu tố hải quan).

"Một thực trạng đáng buồn mà ngành logistics của Việt Nam là các DN dịch vụ logistics (LSP) nội địa có quy mô nhỏ, dịch vụ đơn lẻ, tính tích hợp chưa cao. Do đó, DN chỉ cung cấp những dịch vụ đơn giản, như: làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... Trong khi đó, các dịch vụ hải quan chưa tiệm cận được với chất lượng và công nghệ quốc tế; cơ sở hạ tầng cho logistics như tàu biển, giá thuê và hoạt động năng lực bốc dỡ, đậu đỗ của các tàu Việt Nam hạn chế so với nước ngoài", ông Hiệp nói.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các DN cung cấp logistics Việt Nam mạnh về số lượng nhưng yếu về thị phần và năng lực. Đa phần là DN nhỏ và vừa, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất, chỉ hoạt động một phân khúc đơn lẻ. Hạn chế trong liên kết giữa DN xuất nhập khẩu và DN logistics. Năng lực cạnh tranh yếu, chi phí logistics cao trong khu vực...

Bên cạnh đó, trình độ nhân lực chưa chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ ở mức thấp. Thiếu hụt trầm trọng về số lượng nhân lực có trình độ quản lý lĩnh vực logistics cũng như trình độ ngoại ngữ.

Theo TS. Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hạ tầng cho dịch vụ logistics còn nhiều vấn đề đáng nói. Trước hết, vấn đề nổi cộm là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa.

Việt Nam là một quốc gia có chiều dài và hẹp, rất giống như Nhật Bản, với khu vực kinh tế trọng điểm chia đều 2 đầu Nam Bắc. Điều này dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường dài theo trục Bắc Nam rất cao, một công việc đáng lý ra phải do ngành đường sắt đảm đương phần lớn. Nhưng trên thực tế, thị phần vận tải cùa ngành đường sắt ngày càng giảm (chiếm khoảng 1%) và có độ tín nhiệm thấp đối với DN. Hiện nay các tuyến đường sắt tại Việt Nam có tổng chiều dài 2.653 km, trong đó chỉ có 6,67% đạt chuẩn quốc tế.

Phần lớn đường sắt Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vì sử dụng loại khổ hẹp 1m có khả năng chống lật thấp. Nhìn chung kỹ thuật đường sắt cấp 1 của Việt Nam đi sau thế giới với kỹ thuật cấp 4,5 quá xa. Còn đường bộ, Việt Nam đang gặp phải nhóm vấn đề như: năng lực vận tải kém do chi phí cao và thời gian giao hàng bị ảnh hưởng do tắc đường, giải phóng hàng chậm.

Theo các chuyên gia vận tải, việc cải thiện chất lượng đường bộ bằng đầu tư BOT giúp tăng thời gian di chuyển, nhưng lại phát sinh chi phí. Điều này khiến điểm nghẽn lớn trong việc vận hành chuỗi giá trị logistics tại Việt Nam.

Nguyễn Tuyền