Ngành cao su trong cơn bão khủng hoảng
(Dân trí) - Cao su thiên nhiên của Việt Nam có sản lượng lớn nhưng được sử dụng trong nước ít, phần còn lại xuất khẩu với giá cả không ổn định. Bởi vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái đã và đang tác động lớn tới chiến lược phát triển cao su trong nước.
Nhiều nước giảm sản lượng
Nếu như trong giai đoạn 2003 đến tháng 8/2008 giá xuất khẩu cao su liên lục tăng cao (năm 2004 là 1.163 USD/tấn, năm 2006 là 1.817 USD/tấn, 8 tháng đầu năm 2008 giá xuất khẩu bình quân là 2.708 USD/tấn) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước sản xuất và xuất khẩu cao su, trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của tập đoàn Nghiên cứu Cao su quốc tế và Hiệp hội cao su Indonesia thì thị trường cao su thiên nhiên thế giới sẽ thiếu hụt so với nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế toàn cầu đang giảm phát và giá dầu thô xuống thấp đã ảnh hưởng mạnh đến giá xuất khẩu cao su. Bằng chứng là trong tháng 11/2008, giá cao su chỉ còn 1.500 - 1.600 USD/tấn và đến tháng 12/2008 lại tụt tiếp xuống 1.200 - 1.300 USD/tấn.
Lo ngại về nền kinh tế suy thoái toàn cầu, trong tháng 10/2008, 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới (Thái Lan, Malaysia và Indonesia) đã nhất trí cùng nhau cắt giảm sản lượng 215.000 tấn trong năm 2009.
Năm 2007, sản lượng cao su thiên nhiên Việt Nam lên tới trên 600.000 tấn/năm và ước tính năm 2008 đạt 660.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2006 đạt 1,27 tỷ USD, năm 2007 đạt 1,4 tỷ USD và năm 2008 ước đạt 1,6 tỷ USD, đưa Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu. Đặc biệt, phát triển cao su còn tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 250 - 270.000 lao động.
Sự phụ thuộc vào thị trường thế giới dẫn tới phụ thuộc trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của ngành trồng trọt và sơ chế cao su. Trong khi đó, Việt Nam có kế hoạch phát triển 700.000 ha cao su đến năm 2010 và dự kiến đến 1,2 triệu tấn vào năm 2020. Mục tiêu này đang đặc ra thách thức gì?
Đẩy mạnh đầu tư chế biến
Theo tính toán của những nhà chuyên môn, nếu bán cao su thô được 1 thì chế biến thành săm lốp giá trị tăng lên 8 - 10 lần còn chế tạo các linh liện, sản phẩm cao su kỹ thuật có thể tăng thêm lên 18 - 20 lần.
Việc chế biến không chỉ là cách giúp ngành cao su bớt chịu tác động từ những rủi ro của thế giới mà còn là cách giúp nền kinh tế giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu trị giá từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD hàng năm cho các ngành công nghiệp (dệt, may, giao thông, cơ khí chế tạo máy…).
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến cao su ở Việt Nam hiện nay còn tương đối nhỏ và manh mún. Tỷ trọng hàng cao su chế biến (như săm, lốp…) chiếm vị trí ít ỏi bên cạnh khối lượng cao su thô.
GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Viện hóa học - Vật liệu, Viện khoa học công nghệ quân sự cho biết: Đến cuối năm 2007, Việt Nam có hơn 70 đơn vị sản xuất cao su đạt khối lượng sản phẩm hàng năm 500 - 20.000 tấn.
Trong công nghiệp chế biến lốp, cao su kỹ thuật, giầy dép, chúng ta phải nhập khẩu một lượng đáng kể cao su tổng hợp các loại và toàn bộ hóa chất cao su để gia công, lưu hóa và điều chỉnh tính chất thành phẩm với giá trị hàng hóa nhập cực kỳ lớn.
Không những vậy, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, doanh nghiệp chế biến sản phẩm trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với mặt hàng cao su từ nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Thị trường nội địa mở cửa và hàng hoá của nước ngoài được hưởng thuế nhập khẩu giảm, trong đó không ngoại trừ mặt hàng cao su.
“Đây chính là lý do Việt Nam cần đầu tư mạnh trong khâu chế biến sâu trong thời gian tới. Chúng ta nên tổ chức hẳn một chương trình cao su gồm mục tiêu nghiên cứu chế biến và sử dụng hiệu quả vật liệu cao su” - GS Bắc nói.
Lan Hương