Ngân sách nhiều địa phương đang lệ thuộc vào… bán quyền sử dụng đất

(Dân trí) - Thu ngân sách Nhà nước ở nhiều địa phương hiện vẫn còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công, trong đó đặc biệt là bán quyền sử dụng đất. Đây là một trong những vấn đề được Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia lưu ý đối với việc thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

​Bán quyền sử dụng đất là nguồn thu lớn cho ngân sách một số địa phương
​Bán quyền sử dụng đất là nguồn thu lớn cho ngân sách một số địa phương

Tốc độ thu ngân sách tăng nhanh hơn chi

Tại báo cáo vừa mới phát hành, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, lũy kế đến 30/9/2018, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt 73% dự toán, ước đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ.

Trong khi đó, chi NSNN ước đạt 989,275 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ.

UBGSTCQG cho rằng, thu NSNN đạt khá chủ yếu là do thu từ thu dầu thô tăng mạnh (đạt 134% dự toán, tăng 42,5% so cùng kỳ) do giá và sản lượng tăng. Giá dầu thô thanh toán bình quân 9 tháng đạt 73,5 USD/thùng, tăng 23,5 USD/thùng so với giá dự toán trong khi sản lượng khai thác dầu 9 tháng ước đạt 9,3 triệu tấn, bằng 82% kế hoạch.

Tại thời điểm công bố báo cáo này, Uỷ bản dự báo giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cao trong 3 năm tới và có thể đạt ngưỡng 180 USD/thùng (EFA dự báo giá dầu thô cuối năm 2018 đạt hơn 73 USD/thùng và tăng bình quân 25-30% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2020) sẽ hỗ trợ tích cực cho thu từ dầu thô trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (đạt 82% dự toán, tăng 3,2% so cùng kỳ) tích cực do hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng điện thoại của công ty Samsung và tăng giá – sản lượng mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Tính đến 30/9/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 352,4 tỷ USD, xuất siêu 5,39 tỷ USD. Ước tính cả năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 475 tỷ USD, xuất siêu 1 tỷ USD sẽ tiếp tục là nhân tố hỗ trợ tích cực tới thu hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Tồn tại nhiều vấn đề

Tuy nhiên, theo UBGSTCQG, hiện NSNN vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần lưu ý mà trước hết là cấu trúc thu NSNN chưa thực sự bền vững.

Cụ thể, thu NSNN còn phụ thuộc ở những mức độ nhất định vào khoản thu không bền vững như thu từ dầu thô. Uỷ ban cho rằng, trong ngắn hạn, thu từ dầu thô bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới và sản lượng khai thác, do đó, sự biến động giá dầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu từ dầu thô trong những năm qua6, từ đó gây tác động không nhỏ lên thu NSNN. Trong dài hạn, thu dầu thô cũng không bền vững do giới hạn về trữ lượng khai thác.

Bên cạnh đó, việc tăng thu nội địa lại chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà, đất trong khi các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp so dự toán.

Tính đến hết tháng 9/2018, các khoản thu về nhà, đất đạt 104,4% dự toán; thu từ khu vực DNNN đạt 65,3% dự toán, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,8% dự toán, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 68,7% dự toán.

Uỷ ban cũng nhận xét rằng, thu NSNN ở nhiều địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công, trong đó đặc biệt là bán quyền sử dụng đất.

Vấn đề thứ hai, theo UBGSTCQG là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt mức dự toán thấp (50,2% dự toán).

Do đó, theo UBGSTCQG cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế suất thuế thu nhập DNVVN kết hợp mở rộng cơ sở thuế để từ đó tăng cường nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững. Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ NSNN.

Mai Chi

Ngân sách nhiều địa phương đang lệ thuộc vào… bán quyền sử dụng đất - 2