Ngân hàng tự chủ công nghệ để chuyển đổi số

Trường Thịnh

(Dân trí) - Việc tự chủ công nghệ không chỉ giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong thiết kế ứng dụng, dịch vụ hướng tới khách hàng, mà còn mang hiệu quả chuyển đổi số cho các nhà băng.

Chỉ được nhắc tới vài năm gần đây, nhưng với sự tham gia của hầu hết ngân hàng thương mại, ngân hàng số đã trở thành kênh giao dịch chính của người dân, đặc biệt tại khu vực thành thị.

Không chỉ giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận tiện, số hóa dịch vụ ngân hàng mang đến tệp khách hàng rộng rãi cho ngân hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 và bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Tất cả là động lực, lợi thế, chất xúc tác quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng.

Tự chủ chuyển đổi số

Từ một kênh giao dịch trực tuyến với một vài dịch vụ ngân hàng cơ bản như theo dõi biến động số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm,… đến nay, số hóa đã giúp các ngân hàng đưa 90-95% giao dịch lên kênh điện tử, từ thanh toán, gửi tiền, mua bảo hiểm, cho vay, tới việc mở thẻ...

Những năm gần đây, ngân hàng số đang phát triển theo 2 xu hướng: Tự chủ xây dựng đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin, tự chủ công nghệ và hợp tác với các tổ chức công nghệ tài chính thứ ba. Với cả 2 hình thức này, mục tiêu của các ngân hàng là đưa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, sản phẩm, giao dịch với khách hàng từ kênh truyền thống lên kênh số.

Tuy vậy, việc tự chủ công nghệ trong chuyển đối số luôn được đánh giá cao hơn bởi đem tới tính linh hoạt, nhanh chóng khi xây dựng dịch vụ theo nhu cầu thực tế của khách hàng. Một trong số ít ngân hàng tiên phong trong việc chủ công nghệ để chuyển đổi số tại Việt Nam là MBBank. Theo đó, ngân hàng này đã liên tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; và triển khai dự án về tự động hóa từ năm 2017.

Ông Vũ Thành Trung, Thành viên ban điều hành, Giám đốc khối ngân hàng số MBBank, cho biết hiện ngân hàng lõi (core banking) của MBBank được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin nội bộ, thay vì phụ thuộc vào đối tác thứ ba. Việc này cho phép MB nâng cấp, cập nhật tính năng trên App MBBank và hệ thống Internet Banking một cách chủ động chỉ trong vòng 24 giờ.

Lấy công nghệ là nền tảng phát triển trong thời đại số, được đầu tư cả về nhân lực và cơ sở hạ tầng, MBBank cũng là ngân hàng thường xuyên đưa ra các ứng dụng, dịch vụ mới để tăng trải nghiệm khách hàng như tài khoản số đẹp - giúp khách hàng đặt số tài khoản theo năm sinh, số điện thoại hoặc thẻ hybrid - cho phép mở thẻ tích hợp với thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng và thực hiện đầy đủ tính năng giao dịch mà không cần sử dụng thẻ vật lý.

Nhờ việc tập trung xây dựng tính năng mới, chú trọng tới trải nghiệm khách hàng, năm 2020, 2021 app mobile của MBBank liên tiếp là ứng dụng được tải nhiều nhất Việt Nam trên App Store và CH Play.

Ngân hàng tự chủ công nghệ để chuyển đổi số - 1
Thẻ hybrid cho phép khách hàng tích hợp tính năng của thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn xã hội

Không riêng ngân hàng số của MBBank, thị trường hiện nay còn ghi nhận một loạt ngân hàng số như VCB Digibank của Vietcombank; LiveBank của TPBank; LienViet24h của LienVietPostBank; Digimi của Vietcapital Bank hay VPBank NEO của VPBank… Việc ngày càng nhiều ngân hàng phát triển ngân hàng số và chú trọng xây dựng dịch vụ tăng trải nghiệm khách hàng không chỉ giúp khai thác tốt hơn tệp khách hàng sẵn có, mà còn giúp các nhà băng mở rộng nhanh tệp khách hàng mới.

Ngoài mở rộng tệp khách hàng, việc đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng cũng thúc đẩy chuyển đổi số toàn xã hội, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo NHNN, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đều vượt 90%; nhiều ngân hàng ghi nhận 90% giao dịch phát sinh trên kênh số.

Số liệu 4 tháng đầu năm nay cho biết hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao, với mức tăng 70% về số lượng và 28% về giá trị. Tương tự, giao dịch qua internet ghi nhận tăng 48% về số lượng và 33% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng lần lượt 98% và 87%; qua QR code tăng 57% và 112%.

Ngân hàng tự chủ công nghệ để chuyển đổi số - 2
Người dân sử dụng tính năng VietQR để mua bán thực phẩm online.

Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng ở Việt Nam đã triển khai hàng loạt các tính năng thanh toán tiện lợi, trong đó có thể kể đến tính năng VietQR. Với tính năng này, người dùng sẽ tự tạo mã thanh toán QR cho cá nhân, gắn với số tiền tùy chọn và lưu lại cho mọi giao dịch. Việc cá nhân hóa hoạt động thanh toán bằng mã QR này đã đem lại thuận tiện lớn không chỉ cho cá nhân mà còn cho các hộ kinh doanh và chủ cửa hàng online. Sự xuất hiện của vô số loại hình dịch vụ cá nhân hóa, hấp dẫn và tiện lợi đã thuyết phục khách hàng làm quen với công nghệ và trải nghiệm số. Qua đó hình thành nên một cộng đồng am hiểu về công nghệ số, góp phần truyền cảm hứng cho toàn xã hội trải nghiệm và chuyển đổi số.