1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp lao đao trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - 120.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước hút ròng từ hệ thống ngân hàng thương mại để “nhập kho”, trong khi đó, giới kinh doanh lại đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp lao đao trong mùa dịch Covid-19 - 1

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào

Báo cáo trái phiếu mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, trong tuần vừa qua (từ 24-28/2/2020), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút ròng 11.000 tỷ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 11.000 tỷ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,65%) và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào.

Còn trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO), NHNN vẫn tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào. Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện đã tăng lên mức 120.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn (qua đêm, 1 tuần và 2 tuần). Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,07%; 0,08% và 0,14% xuống mức 2,02%/năm; 2,42%/năm và 2,36%/năm.

Ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp lao đao trong mùa dịch Covid-19 - 2

Theo chuyên gia BVSC, chính nhờ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào nên đã giúp lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức thấp.

Cùng với đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 2. Cụ thể, lãi suất của nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm trung bình 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,01%.

Đây là một hiện tượng rất đáng chú ý của nền kinh tế khi mà các con số thống kê cho thấy trong tháng 2, kinh tế vĩ mô Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến của dịch cúm Covid-19.

Các hoạt động sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ còn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó động lực chính của sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng này là thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Khách quốc tế đến VN trong kỳ thống kê tháng Hai (21/1-20/2) giảm 37,7% so với tháng 1 và giảm 21,8% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%.

Đáng chú ý nhất là hai tháng đầu năm có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh.

“Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nên nhu cầu vay vốn, tín dụng cũng giảm xuống khiến nhu cầu huy động của ngân hàng không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2” chuyên gia của BVSC phân tích.

Nhóm chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát thì có thể tiếp tục khiến hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tin tích cực là mới đây, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên cơ sở đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới.

Mai Chi