Ngân hàng tăng tuyển bộ phận kinh doanh phục vụ nhu cầu “bán chéo” bảo hiểm

An Hạ

(Dân trí) - Ngân hàng đang trong giai đoạn rà soát chi phí vận hành, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng chững lại, chưa có dấu hiệu tái khởi động mạnh mẽ, đặc biệt đối với phân khúc tuyển dụng các ứng viên cao cấp.

Ngày 29/7, Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng của mình trong quý 2/2020.

Báo cáo cho thấy, ngành ngân hàng nói chung vẫn đang trong giai đoạn rà soát các chi phí vận hành, dẫn đến việc các nhu cầu tuyển dụng trong ngành hiện chững lại và chưa có dấu hiệu tái khởi động mạnh mẽ, đặc biệt đối với phân khúc tuyển dụng các ứng viên cao cấp.

Tuy nhiên, đối với phân khúc nhân viên và chuyên viên, tại các ngân hàng từ quý 2 bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng ồ ạt các vị trí kinh doanh để phục vụ cho dịch vụ bán chéo (cross sales) các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Ngân hàng tăng tuyển bộ phận kinh doanh phục vụ nhu cầu “bán chéo” bảo hiểm - 1
Ngân hàng tăng tuyển bộ phận kinh doanh phục vụ nhu cầu “bán chéo” bảo hiểm (ảnh minh họa).

Trên thực tế, hai năm qua, thị trường tài chính - ngân hàng cũng đã xuất hiện mô hình các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình. Đến nay, mô hình này nở rộ, nhưng đã có biểu hiện biến tướng và một trong những hệ lụy là xuất hiện việc ngân hàng ép khách phải mua kèm bảo hiểm cháy nổ chung cư, hoặc khách hàng khi đi vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ... theo kiểu "bia kèm lạc" rất khó đỡ.

Như Dân trí trước đó đưa tin, theo phản ánh của một người dân tại TPHCM, anh T làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần để vay 5 tỷ đồng, lãi suất mà ngân hàng đưa ra lúc đầu là 9,99%/năm. "Tuy nhiên khi ký hợp đồng tín dụng, họ lại bảo tôi phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ thì mới đủ điều kiện vay và được giải ngân sớm. Khoản bảo hiểm họ bảo tôi đóng là 50 triệu đồng, tương đương với khoản vay 5 tỷ đồng", anh T nói.

Cũng theo chia sẻ của anh T, kiểu ép mua bảo hiểm này của ngân hàng đã đặt khách vào tình cảnh "cực chẳng đã" khi thời điểm anh cần tiền để đóng tiền nhà đã cận kề. "Không đồng ý mua cũng không được, vì nếu chạy đi tìm ngân hàng khác thì tôi không còn đủ thời gian. Vì từ lúc nộp hồ sơ đến khi ngân hàng đi thẩm định, cấp quyết định cho vay cũng mất mấy hôm rồi".

Việc bán bảo hiểm theo hình thức "bia kèm lạc" như trên cũng đã xuất hiện trong một thời gian dài vừa qua. Cuối năm 2019, tình trạng này xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Long An. Một số ngân hàng thương mại “ép” khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan, như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm cháy nổ…

Người nào chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An thời điểm đó đã phải yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về nội dung: Ngân hàng hiện đang giới thiệu các loại bảo hiểm nào? Có hay không việc “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm khi làm hồ sơ, thủ tục vay vốn?

Báo cáo của Navigos Group cho thấy: Trạng thái bình thường mới đã kích nhu cầu chi tiêu của người dùng quay trở lại, tuy nhiên việc mở cửa giao thương giữa các nước đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tái thiết lập. Điều này kéo theo xuất hiện sự đối nghịch trong phục hồi tuyển dụng giữa lĩnh vực dịch vụ cho người dùng và dịch vụ cho doanh nghiệp. Theo thống kê trong quý 2, các lĩnh vực đã phục hồi và có dấu hiệu trên đà phục hồi (có suy giảm so với quý trước nhưng tỷ lệ thấp) hầu hết đều thuộc mảng dịch vụ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các mảng dịch vụ cho doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí các ngành trong mảng này đều thuộc nhóm có nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh nhất so với quý 1.

Theo đó, ngành thể hiện sự phục hồi rõ rệt nhất, có tăng trưởng dương, là du lịch/nhà hàng, nhu cầu tăng đến 11%. Tiếp theo, 3 ngành có dấu hiệu đang trên đà phục hồi, tuy có sụt giảm so với với quý 1 nhưng rất thấp, tỷ lệ tăng trưởng âm dao động trên dưới 10%, lần lượt là các ngành: Tài chính/Ngân hàng; Chăm sóc sức khỏe và Khoa học cuộc sống; Bất động sản.

Bên cạnh đó, 3 ngành giảm nhiều nhất trong nhu cầu tuyển dụng, tỷ lệ giảm mạnh khi so với quý 1/2020 lần lượt là: Dịch vụ vận tải, giảm 58%; Truyền thông & Quảng cáo, giảm 58%; Bán hàng & Marketing (B2B) cho doanh nghiệp sản xuất, giảm 38%.