Đi vay tiền bị ép mua bảo hiểm: Hình thức "bia kèm lạc" khó đỡ
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An yêu cầu các ngân hàng thương mại có đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh báo cáo về việc cho vay bán kèm bảo hiểm, hay còn gọi là Bancassurance.
Bancassurance - sự kết hợp của 2 thuật ngữ “Banking” và “Insurance” (Ngân hàng và Bảo hiểm), được hiểu là việc các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình.
Mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các ngân hàng thương mại trong việc phát triển và phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam trong một vài năm qua. Đến nay, mô hình này đang nở rộ, tuy nhiên đang có biểu hiện biến tướng và một trong những hệ lụy là xuất hiện việc ngân hàng ép khách phải mua kèm bảo hiểm cháy nổ chung cư, hoặc khách hàng khi đi vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ... theo kiểu "bia kèm lạc" rất khó đỡ.
Theo phản ánh của một người dân tại TPHCM, anh T làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần để vay 5 tỷ đồng, lãi suất mà ngân hàng đưa ra lúc đầu là 9,99%/năm. "Tuy nhiên khi ký hợp đồng tín dụng, họ lại bảo tôi phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ thì mới đủ điều kiện vay và được giải ngân sớm. Khoản bảo hiểm họ bảo tôi đóng là 50 triệu đồng, tương đương với khoản vay 5 tỷ đồng", anh T nói.
Cũng theo chia sẻ của anh T, kiểu ép mua bảo hiểm này của ngân hàng đã đặt khách vào tình cảnh "cực chẳng đã" khi thời điểm anh cần tiền để đóng tiền nhà đã cận kề. "Không đồng ý mua cũng không được, vì nếu chạy đi tìm ngân hàng khác thì tôi không còn đủ thời gian. Vì từ lúc nộp hồ sơ đến khi ngân hàng đi thẩm định, cấp quyết định cho vay cũng mất mấy hôm rồi".
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng và bảo hiểm cho biết, các hình thức bảo hiểm bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm vật chất, bảo hiểm sức khỏe, hay bảo hiểm nhân thọ là những hình thức tài chính giúp người tham gia bảo hiểm có nguồn tài chính đảm bảo trước các rủi ro khó lường như ốm đau, bệnh tật hay tai nạn. Việc tham gia bảo hiểm có ý nghĩa tích cực đối với cuộc sống, tuy nhiên, cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người tham gia.
Do đó, hiện tượng ép “bia kèm lạc” trong bảo hiểm ngân hàng như trên có thể làm méo mó đi ý nghĩa và bản chất của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Đặc biệt, nếu như hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ là ngắn hạn, thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một mối quan hệ kinh tế lâu dài giữa công ty bảo hiểm nhân thọ và khách hàng, từ 10 đến 20 năm hoặc lâu hơn. Do vậy khách hàng phải được quyền nghiên cứu và lựa chọn kỹ lưỡng, quyết định dựa trên sự tin tưởng và nhiều yếu tố cân nhắc khác như uy tín, quy mô, sản phẩm, dịch vụ, các giá trị quyền lợi gia tăng…
Khảo sát thị trường tài chính - ngân hàng hiện nay không khó điểm danh các ngân hàng có mô hình Bancassurance. Không chỉ có nhân viên bảo hiểm của công ty bảo hiểm mà tại nhiều ngân hàng, nhân viên ngân hàng cũng tận dụng nguồn khách hàng sẵn có để bán chéo thêm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và được giao chỉ tiêu để khai thác khách hàng của mình.
Trao đổi với tổng giám đốc một công ty bảo hiểm trực thuộc một ngân hàng lớn tại Hà Nội, vị này cho biết: "Với mạng lưới khách hàng hiện nay, công ty chúng tôi chỉ cần phục vụ và tận dụng hết nguồn lực khách hàng của ngân hàng mình cũng là quá đủ". Đây là lý do khiến công ty bảo hiểm này chưa chú trọng đến phân khúc khách hàng nhỏ lẻ cá nhân ở bên ngoài.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các ngân hàng lấn sâu vào mảng bảo hiểm đang gây áp lực lên các công ty bảo hiểm đơn thuần (tức là không kết hợp mô hình hợp tác với ngân hàng).
Trên thực tế, bán bảo hiểm theo hình thức "bia kèm lạc" như trên cũng đã xuất hiện trong một thời gian dài vừa qua. Gần đây nhất, tình trạng này xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Long An. Một số ngân hàng thương mại “ép” khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan, như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm cháy nổ…
Người nào chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về nội dung: Ngân hàng hiện đang giới thiệu các loại bảo hiểm nào? Có hay không việc “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm khi làm hồ sơ, thủ tục vay vốn?
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An sẽ thanh kiểm tra theo các nội dung trên. Nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
An Hạ