Ngân hàng tạm ứng 129 triệu đồng cho chủ thẻ ATM bị mất tiền
(Dân trí) - Sáng nay 24/5, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã quyết định tạm ứng toàn bộ số tiền 129 triệu đồng cho ông Nguyễn Minh Dương - chủ thẻ ATM bị mất tiền; đồng thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Minh Dương, vào ngày 27/2, ông có sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á để rút tiền tại trụ máy ATM của Sacombank. Khi ông thao tác rút tiền thì máy mất điện và thẻ ATM bị giữ lại trong máy...
Sáng nay 24/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh của ông Nguyễn Minh Dương về việc tài khoản bị mất 129 triệu đồng, ngân hàng đã tiến hành tra soát toàn bộ giao dịch của khách hàng từ các bên để làm rõ khiếu nại.
Đồng thời, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng một cách tốt nhất, DongA Bank quyết định sẽ hỗ trợ tạm ứng trước cho ông Dương toàn bộ số tiền 129 triệu đồng đã mất trước đó.
"Việc tạm ứng sẽ được thực hiện trong vài ngày tới sau khi DongA Bank và khách hàng hoàn tất một số thủ tục", đại diện ngân hàng khẳng định.
Tuy nhiên, ngân hàng DongA Bank cũng cho biết: "Sau khi tạm ứng cho khách hàng, chúng tôi sẽ chuyển vụ việc trên sang cơ quan điều tra".
Trước đó, ngày 26/4, Sacombank cũng đã tiến hành hoàn tiền 94,9 triệu đồng cho khách hàng Hoàng Minh Tâm tại Hà Nội sau khi xảy ra sự cố gian lận thẻ hơn 1 ngày.
Cụ thể, vào lúc hơn 23h ngày 24/4, tài khoản của khách hàng Hoàng Minh Tâm ở Hà Nội bị rút hết số dư 94,9 triệu đồng tại ATM Sacombank ở Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM). Đến sáng ngày 25/4, khách hàng mới phát hiện thông qua tin nhắn thông báo giao dịch và ngay lập tức liên hệ Sacombank.
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin, Sacombank đã nhanh chóng rà soát và xác định được nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do đã bị kẻ gian đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền. Hệ thống camera giám sát tại ATM đã ghi lại được hình ảnh kẻ gian thực hiện hành vi rút tiền bằng thẻ giả.
"Vì vậy, Sacombank đã hỗ trợ hoàn tiền cho khách hàng trong sáng ngày 26/04, đồng thời chuyển các thông tin, hình ảnh liên quan và phối hợp với Công an công nghệ cao (C50) để điều tra”, ông Tâm nói.
Những lưu ý trong quá trình sử dụng thẻ ngân hàng để tránh bị rủi ro
1. Không để lộ thông tin thẻ
Không tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ ngân hàng. Không đặt mật khẩu bằng các thông tin dễ đoán như ngày sinh, số CMND, số điện thoại, biển số xe… để tránh tình trạng người khác nhặt được thẻ có thể lợi dụng lấy cắp tiền, đồng thời nên thường xuyên đổi mật khẩu thẻ.
Để tránh rủi ro bị người khác nhìn thấy thông tin thẻ, đặc biệt là mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ), một số người còn chủ động ghi nhớ mã rồi dán kín chúng lại.
2. Cẩn thận khi rút tiền tại máy ATM
Đầu tiên, nên kiểm tra ATM có bị gắn thiết bị lạ như đầu đọc cắm bên ngoài khe đọc thẻ hay không để tránh bị lấy cắp thông tin thẻ. Đồng thời, khi nhập mã PIN, khách hàng cần dùng tay che chắn để tránh lộ PIN. Kết thúc việc rút tiền, khách hàng nên kiểm tra đã lấy thẻ/tiền chưa và chờ thông báo kết quả giao dịch hoàn tất trên màn hình ATM rồi hãy rời đi.
Để hỗ trợ khách hàng, hiện hầu hết ATM của các ngân hàng đã được trang bị hộp che bàn phím.
3. Cẩn trọng hơn khi giao dịch thanh toán trực tuyến
Khi giao dịch trực tuyến, chủ thẻ nên:
- Sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại.
- Không trả lời các email lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ…
- Nên gõ địa chỉ của ngân hàng điện tử trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không nên bấm vào đường link được gửi qua email hay các đường link google đề xuất (trường hợp tìm kiếm bằng google) vì các đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế.
- Chỉ mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín, chính thức của các Ngân hàng và các đơn vị bán hàng online đáng tin cậy có giao thức bảo mật https.
- Trong bất kì trường hợp nào, chủ thẻ tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ bảo mật qua các mạng xã hội (facebook, skype, viber, zalo…)
- Sử dụng thẻ trả trước quốc tế cho một số trường hợp cần thiết và nộp đúng số tiền cần giao dịch để kiểm soát được khoản tiền trong thẻ.
4. Giám sát khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ
Với khách hàng đang sử dụng thẻ từ, nhược điểm của thẻ này là công nghệ chưa cao nên dễ bị làm giả. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, Sacombank đã tiến hành thực hiện các dự án chuyển đổi từ thẻ công nghệ từ sang công nghệ chip thông minh.
Tuy nhiên, để tự bảo vệ tài chính, khách hàng vẫn phải cẩn trọng khi sử dụng thẻ. Khi mua sắm, thanh toán bằng thẻ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng…, nhân viên thu ngân thường là người trực tiếp cầm thẻ ngân hàng của chúng ta và thực hiện giao dịch.
Việc này có thể dẫn đến thông tin bị đánh cắp. Do đó, phải để thẻ trong tầm mắt và quan sát thật kỹ nhân viên thu ngân, tránh để họ tìm cách ghi nhớ thông tin in trên thẻ của mình. Ngoài ra, cũng cần theo dõi để kiểm soát việc nhân viên thu ngân có nhập đúng số tiền mình phải thanh toán hay không.
5. Luôn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử
Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, email cá nhân, khách hàng cần đặt mật khẩu khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không nên sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động cho các lần sau. Đặc biệt cần hạn chế dùng máy tính, mạng wifi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.
6. Sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động
Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư qua tin nhắn nhằm mục đích khi phát sinh giao dịch, chủ thẻ sẽ nhận được thông tin và xử lý ngay khi có trường hợp phát sinh giao dịch đáng ngờ.
Trong một số trường hợp không may xảy ra rủi ro mất tiền trong thẻ/tài khoản thẻ mà chưa rõ nguyên nhân, khách hàng nên bình tĩnh, liên hệ ngay ngân hàng phát hành yêu cầu khóa thẻ và phối hợp với ngân hàng cùng các bên liên quan, cung cấp các chứng từ (nếu có)… để được hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết.
An Hạ