Ngân hàng sợ lãi suất tăng cao

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD lên 4,5% khiến nhiều ngân hàng trong nước lo ngại. Các ngân hàng cho rằng, rủi ro sẽ tăng cao nếu tiếp tục phải nâng lãi suất huy động tiền gửi.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, với áp lực tăng lãi suất đến từ FED, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục điều chỉnh cả lãi suất huy động và cho vay.

Theo ông, việc điều chỉnh lãi suất chưa biết có tác dụng kiềm chế lạm phát hay không, nhưng trước mắt sẽ làm tăng rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Cuộc đua tăng lãi suất để giữ chân khách hàng tiếp tục nóng bỏng và làm khó các ngân hàng yếu thế. Còn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng về lợi nhuận và khả năng trả nợ, bởi có nhiều dự án đang thực hiện dở dang vẫn phải vay vốn ngân hàng. Mức lãi suất vay vốn nội tệ hiện bình quân lên tới 12-13%/năm.

"Lãi suất tăng, vốn khan hiếm, doanh nghiệp và người kinh doanh sẽ khó vay được vốn ngân hàng. Đồng thời, nó sẽ làm chi phí vốn vay trong cơ cấu giá bán sản phẩm và dịch vụ tăng theo. Lúc này, doanh nghiệp dễ bị thua lỗ, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng", ông Thành nói.

Theo ông, ở góc độ ngân hàng thương mại, việc định giá các khoản cho vay là vấn đề không thể xem nhẹ, vì cho vay đem lại phần lợi lớn nhất của nhà băng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay của ngân hàng hiện được xác định dựa trên kết quả đàm phán giữa người vay và ngân hàng, không phải quyết định sẵn như lãi suất của các công cụ khác trên thị trường tiền tệ.

Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh TPHCM (VCB) Nguyễn Phước Thanh cho biết, FED tiếp tục điều chỉnh lãi suất thì dứt khoát VCB không thể giữ nguyên mức cũ, nhất là lãi suất huy động USD, nhằm tránh tình trạng biến động trong việc chuyển tiền gửi từ VND sang ngoại tệ.

Tuy nhiên, VCB cho biết sẽ cân nhắc kỹ trước khi điều chỉnh, do lãi suất huy động USD của nhà băng này đã lên mức 4,50%/năm. "Nếu lãi suất cứ liên tục tăng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi và vay tiền.

Đặc biệt, rủi ro ngân hàng cũng gia tăng khi lãi suất cho vay phải chạy theo lãi suất huy động. Vì thế, đến hết tháng 3, khi VCB ngưng phát hành kỳ phiếu tiền gửi mới tính đến tăng lãi suất huy động", ông tâm sự.

Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cho rằng, thực tế các ngân hàng thương mại trong nước không muốn tăng lãi suất. Lý do, khi lãi suất càng tăng, gánh nặng của người đi vay tiền sẽ nặng hơn.

Bản thân ngân hàng, nếu không cân nhắc kỹ trong quá trình cho vay, sẽ tăng nhanh nợ xấu. Nhưng nếu FED vẫn nâng lãi suất cơ bản đồng đôla thì ngân hàng không thể ngồi yên. "Việc huy động vốn của các ngân hàng ngày càng khó khăn. Vì thế, ACB cũng đã lên kế hoạch để tăng lãi suất thu hút tiền gửi, nhất là ngoại tệ".

Theo Nguyễn Thùy
VnExpress