Ngân hàng số “bùng nổ” nhưng rủi ro và thách thức còn quá lớn

(Dân trí) - 94% số ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai mô hình ngân hàng số. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngân hàng số lại bị thiếu hụt và rủi ro về an ninh mạng vẫn còn tiềm ẩn.

Ngân hàng số “bùng nổ” nhưng rủi ro và thách thức còn quá lớn - 1

Các diễn giả trình bày tại Hội nghị Ngân hàng Việt Nam 2019 với chủ đề "Đột phá từ số hoá". Ảnh: Đại Việt

Tại Hội nghị Ngân hàng Việt Nam 2019 với chủ đề “Đột phá từ số hoá” thì nhiều diễn giả đã cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang số hoá như một quy luật phát triển tất yếu.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, hiện nay, khách hàng đặt mua một ổ bánh mì 20.000 đồng trên mạng và sẵn sàng trả 30.000 đồng cho việc giao hàng, bởi khách hàng đang “lười” hơn, đòi hỏi nhiều hơn và luôn muốn được phục vụ ngay lập tức.

Chính vì vậy, việc cá nhân hoá trải nghiệm của người dùng là vô cùng quan trọng. Hiện nay, các ứng dụng mua hàng luôn nhắc nhở người dùng nên mua cái này, nên mua cái kia ở những thời điểm thích hợp và ngân hàng cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Ngân hàng cũng phải cá nhân hoá trải nghiệm của người dùng.

Ngân hàng số “bùng nổ” nhưng rủi ro và thách thức còn quá lớn - 2

Các diễn giả cùng thảo luận, phân tích các vấn đề nóng của ngành ngân hàng hiện nay. Ảnh: Đại Việt

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban ngân hàng điện tử Vietcombank TPHCM chia sẻ, những lợi thế của thị trường Việt Nam đó chính là nguồn dân số trẻ sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh và người dân đang dành nhiều thời gian để tương tác trực tuyến.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những tăng trưởng đột phá, nhất là các dịch vụ thanh toán online “bùng nổ” với hơn 5 tỷ USD thanh toán qua mạng. Công nghệ ngân hàng cũng có nhiều bước đột phá.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng đang dần hỗ trợ tốt hơn cho việc số hoá của các ngân hàng. Ngoài ra, sự phát triển và cạnh tranh trực tiếp đến từ các Fintech (đơn vị chuyên về công nghệ tài chính) với những lợi thế nhất định về dịch vụ tài chính đang khiến cho các ngân hàng phải tìm giải pháp linh hoạt hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng của mình.

“Hiện nay, các ngân hàng đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang mô hình ngân hàng số với 94% ngân hàng đã chuyển sang mô hình này. Tuy nhiên, chỉ có 20% khách hàng tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số. Đây là cơ hội rất lớn để các ngân hàng tiếp cận với những khách hàng tiềm năng bằng “con đường” số hoá”, bà Hằng nói.

Ngân hàng số “bùng nổ” nhưng rủi ro và thách thức còn quá lớn - 3

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì một số ngân hàng của Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới một ngân hàng số đích thực như: TPbank, Vietcombank, Vietinbank, VPbank, MBbank.

Lợi ích của ngân hàng số là tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, phản ứng nhanh nhạy và khai phá lợi ích, khả năng của các công nghệ mới.

Tuy nhiên, vị đại diện NHNN cũng cho rằng, ngân hàng số tại Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Cụ thể như việc thiếu hụt tài năng, nhân lực có chất lượng cho triển khai ngân hàng số. Rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng hay tấn công mạng vào hạ tầng ngân hàng hoặc rủi ro về rò rỉ dữ liệu người dùng.

“Việc thiếu hụt nguồn vốn, ngân sách dành cho chuyển đổi số và đầu tư ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới cũng là một trong những thách thức cho việc phát triển ngân hàng số”, ông Lê Anh Dũng chia sẻ.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN thì thách thức còn đến từ các quy định quản lý. Các quy định này cần phải tạo thuận lợi cho sự phát triển, cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn ngừa rủi ro đối với thị trường tài chính.

Đại Việt