1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng phải trả lãi tiết kiệm hơn 300.000 tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Theo số liệu do ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cung cấp thì hệ thống ngân hàng đang trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng/năm. Do đó, không thể nói các ngân hàng lãi “khủng”.

Sáng nay 7/5, Ngân hàng Nhà nước và Học viện Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm “Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế: Những vấn đề đặt ra trong quý I/2013 và một số khuyến nghị chính sách”. 

Người dân, doanh nghiệp thu lãi hơn 300.000 tỷ đồng/năm từ ngân hàng.
Người dân, doanh nghiệp thu lãi hơn 300.000 tỷ đồng/năm từ ngân hàng.
Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm mạnh

Theo số liệu do ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước c ung cấp thì hệ thống ngân hàng đang trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng.

Trong đó, với khoản tiền huy động 19.500 tỷ đồng của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hệ thống ngân hàng sẽ phải trả lãi lên tới 1.528 tỷ đồng/năm. Kho bạc Nhà nước, nơi giữ tiền tạm thời nhàn rỗi của Chính phủ với số dư bình quân trên hệ thống ngân hàng thương mại là 70.000 tỷ/năm, với lãi suất 2%/năm, đơn vị này cũng đã thu về từ hệ thống 1.400 tỷ đồng/năm. Các Tập đoàn Bảo hiểm của Việt Nam, do các quỹ đầu tư kém phát triển nên phần lớn đầu tư qua ngân hàng, điển hình là số dư tiền gửi của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tính đến cuối 2012 tại 5 ngân hàng là 235.000 tỷ, tính ra tiền lãi các ngân hàng trả cho tổ chức này là 18.000 tỷ đồng/năm.

Cũng theo số liệu do ông Phạm Xuân Hòe cung cấp, trong số hơn 300.000 tỷ đồng trên, phần trả lãi tiền gửi lớn nhất của hệ thống ngân hàng là trả lãi cho doanh nghiệp và người dân, hơn 280.000 tỷ đồng.

Do đó, ông Hòe phản bác lại ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi lớn do nền kinh tế đang phải trả lãi cho hệ thống ngân hàng hơn 400.000 tỷ đồng. Bởi theo vị đại diện này, việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải trả lãi là đương nhiên. Nhưng không phải số lãi này hệ thống ngân hàng được hưởng hết, mà ngân hàng phải trừ vào chi phí vận hành, quản trị, khuyến mãi, trả lương cán bộ, trích lập dự phòng rủi ro…
 
Tính đến cuối năm 2012, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro lũy kế đến trung tuần tháng 11/2012 của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 68.000 tỷ đồng. Và trong trong quý I/2013, các ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

“Nhìn vào kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại cuối năm 2012 có thể nói là một sự sụt giảm thê thảm về lợi nhuận. Trong 102 đơn vị có lãi thì lợi nhuận giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2011. Có khoảng 22 đơn vị thua lỗ thì mức lỗ gấp 7 lần so với năm trước. Nếu chung ta cứ có cái nhìn ảo là ngân hàng lãi cao thì giá rất đắt, dẫn đến hậu quả nhiều tập đoàn nhà nước chạy xô vào làm ngân hàng mà khả năng quản trị không có. Hệ quả này nay phải thoái vốn, nhiều ngân hàng phải cơ cấu lại”, ông Hòe cho biết.

Vốn đầu tư toàn xã hội phụ thuộc nhiều vào ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến 21/3/2013 đã tăng 0,03% so với cuối năm trước và tăng 10,72% so với cùng kỳ năm 2012. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu do Ngân hàng Nhà nước đề ra nhưng những diễn biến tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm nay đã thể hiện rõ dấu hiệu phục hồi qua từng tháng.

Thêm vào đó, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng trưởng âm liên tiếp trong 5 tháng đầu năm thì tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng dương ngay trong quý I/2013. Sự phục hồi này, theo các diễn giả của Học viện Ngân hàng, được coi là một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế.
 
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa vào vốn, trong đó nguồn vốn từ ngân hàng đóng một vai trò rất lớn. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào nguồn vốn đang bộc lộ những nhược điểm mà Việt Nam cần phải thay đổi nếu muốn vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều quốc gia đang vấp phải.

Dẫn số liệu vốn ngân sách thực hiện quý I/2013 ước tính đạt 35,2 nghìn tỷ đồng từ Tổng cục Thống kê, các diễn giả chỉ ra rằng: Trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế đang sụt giảm và vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được giải ngân khá chậm thì vốn đầu tư toàn xã hội dường như đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Bởi, con số thu ngân sách trên chỉ bằng 18% kế hoạch và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Còn nếu so sánh với cùng kỳ năm 2011, con số này đã giảm tới 9,5% - một mức giảm kỷ lục.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm