Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở thầu 26.000 lượng vàng

(Dân trí) - Vào sáng 4/4 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 2 với tổng khối lượng vàng dự kiến 26.000 lượng. Giá tham chiếu cho đợt đấu giá này là 43,61 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán 26.000 lượng vàng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán 26.000 lượng vàng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 2 cho các ngân hàng và đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng vào 8h30 ngày 4/4 tới. Địa điểm tổ chức đấu thầu là tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu cho đợt này là 26.000 lượng vàng miếng SJC (loại 1 lượng, hàm lượng 99,99%). Khối lượng vàng miếng của mỗi lô đấu thầu là 100 lượng; tỷ lệ đặt cọc 10%.

Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 43,61 triệu đồng/lượng, tuy nhiên, mức giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, mỗi đơn vị tham gia đợt đấu thầu này được đặt thầu tối thiểu 5 lô (tương đương 500 lượng vàng). Còn khối lượng vàng miếng tối đa mỗi thành viên được phép đặt thầu là 50 lô (tương đương 5.000 lượng).

Theo đó, bước giá đặt thầu mà các thành viên tham gia sẽ là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng đặt thầu là 1 lô (tương đương 100 lượng). Đặc biệt, mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá trong phạm vi giá trần và giá sàn.

Còn nhớ, trong phiên đấu thầu đợt đầu tiên vào ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu 26.000 lượng vàng, với mức giá tham chiếu 43,6 triệu đồng/lượng.

Phiên đấu thầu đợt 1 có 21 thành viên đăng ký tham gia, gồm các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu mua tổng cộng 2.000 lượng vàng và đều trúng với mức giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng.

Giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đặt ra “quá cao” là lý do khiến đợt đấu thầu ngày 28/3 “ế” tới 24.000 lượng vàng. Ảnh hưởng từ phiên đấu thầu này, giá vàng miếng trong nước đã bật tăng trở lại và nới rộng khoảng cách chênh lệch so với giá thế giới từ 2,8 triệu đồng/lượng lên 3,5 triệu đồng/lượng, rồi hơn 4 trên đồng/lượng.

Theo lý giải của một đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá, đặc biệt là không để bù bỗ cho ai. Điều quan trọng nhất hiện nay là thị trường thiếu cung, Ngân hàng Nhà nước tạo cung cho thị trường.

Nguyễn Hiền