1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng nào cho vay bất động sản nhiều nhất?

Văn Hưng

(Dân trí) - Dù bất động sản là lĩnh vực bị đánh giá rủi ro cao, nhiều ngân hàng vẫn định hướng cho vay nếu nhu cầu thực, dự án tốt. Dư nợ cho vay bất động sản có nơi lên tới hơn 95.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. NHNN nhìn nhận chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này đem lại rủi ro rất lớn cho các ngân hàng.

"Quán quân" cho vay bất động sản

Tính đến cuối năm 2021, Techcombank là ngân hàng cho vay kinh doanh BĐS nhiều nhất với dư nợ 95.913 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ trọng này ở mức rất cao khi khảo sát cho thấy, không ngân hàng nào có tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vượt quá 30%.

Dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của ngân hàng này cũng đã tăng 4.500 tỷ đồng so với năm 2020 nhưng tỷ trọng lại giảm hơn 5,3 điểm %. Thực tế, việc số dư cho vay kinh doanh BĐS tăng lên mà tỷ trọng lại giảm xuống xuất hiện ở hầu hết ngân hàng.

Hồi cuối tháng 3, Techcombank đã ra văn bản "siết" giải ngân các khoản vay mua BĐS, với lý giải để đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng nào cho vay bất động sản nhiều nhất? - 1

Tỷ trọng cho vay kinh doanh BĐS trên tổng dư nợ (Biểu đồ: Văn Hưng).

Bất chấp tỷ trọng cho vay BĐS ở mức cao so với mặt bằng chung, trả lời chất vấn của cổ đông tại phiên họp cổ đông thường niên, CEO Techcombank Jens Lottner khẳng định 5 năm qua, ngân hàng chưa gặp vấn đề nào với các khoản vay BĐS, nợ xấu gần như bằng 0. Ông cho biết việc quản trị rủi ro vẫn đang được thực hiện tốt và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì những định hướng với cho vay BĐS.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT, cũng khẳng định Techcombank những năm qua tập trung cho vay người có nhu cầu mua nhà, các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị.

Ngoài Techcombank, Sacombank cũng thông báo tạm dừng cho vay lĩnh vực BĐS đến hết tháng 6. Năm 2021, dư nợ cho vay BĐS của Sacombank chiếm khoảng 22% tổng dư nợ (tương đương hơn 85.000 tỷ đồng). Trong đó, cho vay người dân xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Cho vay phát triển dự án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt trên 20% còn có Eximbank và VietBank. Eximbank cho vay BĐS gần 28.700 tỷ đồng, trên gần 114.700 tỷ đồng tổng dư nợ cho vay khách hàng (đạt tỷ lệ 25%).

Còn VietBank có mức dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS chỉ là khoảng 10.900 tỷ đồng, nhưng vì dư nợ cho vay khách hàng ở mức trung bình (khoảng 50.530 tỷ đồng) nên tỷ lệ lên tới 21,6%.

Các ngân hàng khác cho vay bất động sản ra sao?

Theo khảo sát, chỉ số ít ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vượt quá 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đa phần các bên duy trì tỷ trọng cho vay lĩnh vực này quanh hoặc dưới ngưỡng 10%.

Năm 2021, VPBank cho vay kinh doanh BĐS 42.567 tỷ đồng, chiếm 12% tổng dư nợ. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhìn nhận trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt hơn việc cho vay BĐS là phù hợp. Dẫu vậy, lãnh đạo nhà băng này cho biết vẫn còn dư địa cấp tín dụng cho lĩnh vực này, nhất là với dự án được đầu tư bài bản, đầy đủ pháp lý.

Trong khi đó, tỷ trọng dư nợ cho vay BĐS trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại Vietcapital Bank là 15,7%, tương đương 7.300 tỷ đồng; MSB là 11,95%, tương đương 12.100 tỷ đồng; SHB là 6,75%, tương đương 24.400 tỷ đồng; MB là 3,5%, tương đương 12.632 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank cho vay kinh doanh BĐS khoảng 17.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,36% tổng dư nợ. BIDV thì cho vay nhóm khách hàng này gần 31.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,35%. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank không thuyết minh tỷ trọng cho vay BĐS trên báo cáo tài chính.

Ngân hàng nào cho vay bất động sản nhiều nhất? - 2

Nợ xấu đối với BĐS qua các năm (Biểu đồ: Văn Hưng).

Nhiều ngân hàng cho rằng các nguồn vốn cho vay BĐS đều đi vào nhu cầu mua nhà thật nên rủi ro nợ xấu ngân hàng không cao. Chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ngày càng được cải thiện.

Về mặt con số, nợ xấu đối với lĩnh vực BĐS đã giảm dần. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,48%; năm 2018 là 3,66%; năm 2019, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,87%. Đến năm 2020, con số này là 1,69% và của năm 2021 là 1,92%.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lo ngại thị trường BĐS biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo BĐS, đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Vì thế, ngành ngân hàng đang giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với lĩnh vực chứng khoán, BĐS để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống.

Về định hướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh BĐS. Còn mua nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, hay nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở thương mại giá rẻ... thì được tạo điều kiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm