Mở ngân hàng "ngoại" tại Việt Nam:
Ngân hàng “mẹ” phải có 20 tỷ USD
(Dân trí) - Kể từ ngày 1/4/2007, ngoài các hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng liên doanh, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, để mở một chi nhánh của ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản trên 20 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin mở chi nhánh.
Trong khi đó, mức yêu cầu đối với việc thành lập ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 10 tỷ USD; đối với mở công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài và công ty cho thuê tài chính liên doanh, tổ chức tín dụng nước ngoài phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin phép mở.
Theo ông Phùng Khắc Kế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc tham gia thị trường của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể làm thay đổi bức tranh về thị phần hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới, vì rằng ngân hàng 100% vốn nước ngoài được hưởng đối xử quốc gia đầy đủ như ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Điều này có nghĩa những ngân hàng này có điều kiện để phát triển cả dịch vụ ngân hàng bán buôn, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ tài chính, tham gia vào quá trình mua bán, sáp nhập ngân hàng …
Tuy nhiên, vẫn có những rào cản đối với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài khi tham gia vào thị trường tín dụng Việt Nam, theo đó, các chi nhánh những ngân hàng này không được phép mở các điểm giao dịch ngoài trụ sở chính, chỉ được phép lắp đặt và vận hành các máy rút tiền tự động.
Trần Hưng