1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng và sự soán ngôi đáng kinh ngạc

(Dân trí) - Năm 2018, lợi nhuận của Vietcombank cao kỷ lục, bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại. Còn Techcombank là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2018 của 25 ngân hàng vừa công bố cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt hơn 97.700 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm 2017. Trong đó 21 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương; 4 ngân hàng lợi nhuận năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 là: Saigonbank, LienVietPostBank, Eximbank và VietinBank.

Dẫn đầu thị trường phải kể đến Vietcombank với mức lợi nhuận cao kỷ lục (đạt trên 18.000 tỷ đồng), bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại. Còn Techcombank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.

Năm 2018 là năm đầu tiên đánh dấu một ngân hàng tư nhân lọt vào top 3 lợi nhuận: Techcombank. Đặt ra kế hoạch 10.000 tỷ đồng trong năm nay, nhưng thực tế nhà băng này đã vượt kế hoạch 6%. Trong vòng 3 năm, quy mô lợi nhuận của Techcombank đã tăng hơn 2,5 lần, vượt qua VPBank, VietinBank và BIDV để chỉ đứng sau "ông lớn" Vietcombank.

Nhóm ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng gồm 16 cái tên quen thuộc là: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank, ACB, HDBank, VIB, TPBank, Sacombank, OCB, SHB, LienVietPostBank, MaritimeBank. ABBank cũng suýt gia nhập nhóm này với 951 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng và sự soán ngôi đáng kinh ngạc - 1

Dẫn đầu thị trường phải kể đến Vietcombank với mức lợi nhuận cao kỷ lục (đạt trên 18.000 tỷ đồng), bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại. Còn Techcombank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.

 

Bất ngờ nhất phải kể đến Maritime Bank với mức lãi trước thuế đạt 1.087 tỷ đồng trong năm 2018, tăng đột biến so với mức lãi hết sức khiêm tốn là 164 tỷ đồng năm 2017. Bốn năm gần đây ngân hàng này chỉ lãi quanh 160 tỷ đồng vì trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Sự tăng trưởng đột biến này đến từ quý IV/2018 khi ngân hàng có lãi gần 800 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh trong khi chi phí dự phòng sụt giảm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành ngân hàng liên tiếp gây nhiều bất ngờ; trong đó "ông lớn" VietinBank bất ngờ bị lỗ hơn 800 tỷ đồng trong quý IV. Nợ xấu tại ngân hàng này cũng tăng khá mạnh 4.500 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 13.500 tỷ đồng; trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến lên tới gần 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung năm 2018, lãi trước thuế của ngân hàng này đạt 6.742 tỷ đồng.

Giải thích về những "bước hụt" trong năm 2018, VietinBank cho biết do đang khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel II, các tiêu chuẩn về chất lượng tín dụng được nâng cao hơn, làm cho một bộ phận nợ chuyển nhóm cao hơn, tác động tăng nợ xấu, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi dự thu.

Cụ thể, tổng thu nhập lãi quý IV/2018 đạt 18.820 tỷ đồng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên do thực hiện ngay việc chuyển nhóm nợ một số khách hàng trong tháng 12/2018 làm chi phí thoái lãi dự thu tăng, dẫn đến thu lãi thuần quý IV chỉ đạt 572 tỷ đồng và làm lợi nhuận quý IV hạch toán âm 853 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng cho biết đang chủ động triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, điều này có tác động làm ảnh hưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng là công việc cần thiết để nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng danh mục tín dụng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngân hàng...

Và một "bước hụt" đáng tiếc trong năm 2018 phải kể đến là Eximbank. Ngân hàng này vừa quay lại câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2017, nhưng 2018 lại phải rút khỏi danh sách này do phải tăng trích lập dự phòng cho nợ xấu và khoản phải thu khó đòi bởi 2 vụ tiền gửi "bốc hơi". Lợi nhuận trước thuế cả năm của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng (giảm 18,7% so với năm 2017), đáng chú ý là mức lãi này đã bao gồm nguồn thu đột biến không nhỏ (hơn 500 tỷ đồng) nhờ thoái vốn khỏi Sacombank hồi đầu năm 2018.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao là điều đáng mừng nhưng cũng cần hài hòa để đảm bảo lợi nhuận của cả doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã đề ra kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận trong năm 2019, và theo dự báo, lợi nhuận các ngân hàng trong năm này sẽ tăng trưởng khoảng 20%.

Tuy nhiên, đích đến lợi nhuận ngân hàng sẽ gặp nhiều rào cản hơn khi tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II ngày một lớn.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tỏ ra lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh trong năm 2019. Trong đó, 86% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình được cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017 và dự báo trong năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".

Nguyễn Hiền

bannerchan-bai-1520499512777326906926-15389023313932091006234.gif

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm