Ngân hàng kém hào hứng với VAMC
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được phép thành lập, mang lại hy vọng về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng không quá hào hứng, bởi khi bán nợ xấu cho VAMC, họ vẫn phải trích lập dự phòng 20%.
Điểm mấu chốt trong xử lý nợ xấu của VAMC là, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND, có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%.
Đồng thời, tổ chức tín dụng được sử dụng loại trái phiếu này để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, khi đã bán nợ xấu cho VAMC, hàng năm các tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu bằng 20% giá trị mệnh giá trái phiếu.
Khi hết thời hạn, nếu nợ xấu không được VAMC xử lý, thì ngân hàng phải mua lại khoản nợ xấu bằng chính trái phiếu đặc biệt. Trường hợp nợ xấu được xử lý, tổ chức tín dụng được nhận lại một phần khoản tiền thu được từ việc bán nợ và trả lại trái phiếu cho VAMC.
Đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, khi đã bán nợ xấu và nhận trái phiếu đặc biệt, thì nợ xấu trong bảng kế toán của các ngân hàng sẽ không còn nữa. Vì thế, việc phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho trái phiếu là điều khiến các ngân hàng không hào hứng trong việc bán nợ, đồng thời cũng không kỳ vọng nhiều vào VAMC. Bởi theo quy định, chỉ khi để nợ trong nội bảng kế toán, thì các ngân hàng mới phải trích lập dự phòng rủi ro. Còn khi đã bán nợ xấu cho VAMC, tức là nợ đã được đưa ra ngoại bảng kế toán, thì không có căn cứ để trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKongBank nhận xét, việc ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC chỉ là giải pháp giãn nợ. Khi hết thời hạn, nếu nợ xấu không được VAMC xử lý, thì ngân hàng phải mua lại bằng chính trái phiếu đặc biệt và vẫn chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, VAMC đi vào hoạt động và nếu phát huy được tác dụng, thì nợ xấu không còn là bệnh dịch. VAMC được xem là người trợ thủ đắc lực cho các tổ chức tín dụng để họ có hướng xử lý nợ xấu. Vì dù sao, AVMC cũng là cánh cửa cuối cùng để bọc lót cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên cũng thừa nhận, chính việc phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho khoản trái phiếu đặc biệt nói trên sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán kỹ khi bán nợ xấu cho VAMC. “Các ngân hàng phải lấy lợi nhuận để trích dự phòng đầy đủ. Do đó, việc bán nợ xấu cho VAMC, mà phải trích lập dự phòng 20% cũng sẽ không giải quyết được nhiều cho ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.
Còn theo ông Nguyễn Gia Định, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, để xử lý nợ xấu, trước hết bản thân các ngân hàng phải tự nỗ lực, vì VAMC chỉ có thể giãn nợ, chứ không giải quyết tận gốc nợ xấu. Tuy nhiên, qua trải nghiệm của mình, ông Định khẳng định, điều cốt lõi nhất trong xử lý nợ xấu được gói gọn trong 4 từ, đó là “trách nhiệm, kiên trì”. “Có nghĩa là, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cũng phải nuôi nợ. Thậm chí, các doanh nghiệp đang có nợ xấu, ngân hàng cũng phải giãn nợ, giảm lãi… để có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, thì ngân hàng mới có thể thu hồi được vốn”, ông Định nói.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, VAMC ra đời cũng chỉ giải quyết một cách tương đối việc xử lý nợ xấu, vừa đảm bảo quyền lợi ngân hàng, doanh nghiệp, vừa không tạo tiền lệ Nhà nước đứng ra cứu giúp. Việc mỗi năm ngân hàng phải trích 20% cho trái phiếu đặc biệt có thể khiến ngân hàng không hào hứng.
Song theo ông Kiêm, thay vì phải làm sạch nợ xấu được cùng một lúc, thì với giải pháp này sẽ có thời hạn 5 năm để xử lý nợ. “Tất nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng trước diễn biến thị trường hiện nay, thì cũng khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, để xử lý được nợ xấu lúc này đòi hỏi ngân hàng, doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chứ không thể kỳ vọng quá nhiều vào VAMC”, ông Kiêm nói.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư