1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng hợp nhất: vốn 10,5 nghìn tỷ đồng, giữ tên SCB?

(Dân trí) - Theo Dự thảo đề án hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng SCB “mới” sẽ là 10,58 nghìn tỷ đồng, trong đó các cổ đông cá nhân trong nước chiếm tới hơn 85% trong cơ cấu sở hữu.

Giữ tên SCB

 

Theo Dự thảo Đề án hợp nhất và tái cơ cấu chung của 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB, số vốn điều lệ của ngân hàng “mới” sẽ được cộng dồn từ vốn điều lệ hiện tại của 3 ngân hàng: 4,18 nghìn tỷ đồng của SCB, 3,4 nghìn tỷ của TinNghiaBank và 3 nghìn tỷ của FicomBank; lên thành 10,58 nghìn tỷ đồng.

 

Xét về tổng tài sản, SCB cũng chiếm ưu thế với 77,5 nghìn tỷ đồng, kế đến là TinNghiaBank với gần 59 nghìn tỷ và FicomBank (hơn 17 nghìn tỷ). Theo dự thảo hợp đồng hợp nhất, các biến động tài sản từ ngày 1/10 cho đến thời điểm hợp nhất vẫn được các ngân hàng theo dõi riêng và chuyển giao số liệu cho ngân hàng hợp nhất, trong đó việc phân tán tài sản bị nghiêm cấm.
 
Ngân hàng hợp nhất: vốn 10,5 nghìn tỷ đồng, giữ tên SCB? - 1
Một số chỉ tiêu tài sản của ba ngân hàng tính đến 30/9/2011 (Nguồn: Dự thảo đề án hợp nhất)

 

Về tên gọi mới, các bên dự kiến thống nhất lấy tên là Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Tên gọi này gần như giữ nguyên theo tên cũ của SCB, bởi theo phân tích thế mạnh và hạn chế (SWOT) thì thương hiệu SCB đã có được vị thế và hình ảnh khá tốt đối với khách hàng, nhất là mảng bán lẻ.

 

Ngân hàng mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 ngân hàng. Sau hợp nhất, dự kiến SCB “mới” sẽ có 3.693 cổ đồng, trong đó số cổ đông cá nhân trong nước chiếm tỷ lệ vượt trội với 3.679 cổ đông, chiếm 85,17% số cổ đông. Số còn lại là cổ đông tổ chức (chiếm 14,41%) và cổ phiếu quỹ (0,41%).

 

Bản dự thảo dài 36 trang này cho biết, ba bên thống nhất tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phổ thông của các ngân hàng trước hợp nhất theo nguyên tắc 1:1, tức mỗi cổ phiếu phổ thông của một ngân hàng sẽ đực hoán đổi thành một cổ phiếu của SCB hợp nhất theo nguyên tắc ngang bằng mệnh giá.
 
Ngân hàng hợp nhất: vốn 10,5 nghìn tỷ đồng, giữ tên SCB? - 2
Tổng hợp cơ cấu nguồn vốn tính đến 30/9 (Nguồn: Dự thảo đề án hợp nhất)

 

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm, ngoài quyền lợi của người gửi tiền đã được cam kết đảm bảo, là “số phận” của hàng nghìn người lao động trong 3 ngân hàng nói trên. Dự thảo đề án hợp nhất khẳng định các cán bộ công nhân viên của ba ngâ hàng sẽ được ổn định công tác tại ngân hàng “mới”, và quyền lợi sẽ được điều chỉnh theo hướng bình quân chung hoặc tốt hơn so với hiện tại. Được biết, số cán bộ nhân viên của SCB “cũ” hiện tới gần 2.100 người, gần gấp đôi nhân sự của TinNghiaBank (hơn 1.100 người) và gấp 4 lần FicomBank (519 người). Theo tính toán, sau hợp nhất số nhân sự của SCB “mới” sẽ lên tới gần 4.000 người.

 

Mục tiêu lợi nhuận “khủng”

 

Theo ghi nhận của PV, hiện các hoạt động kinh doanh của ba ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường, không có dấu hiệu gián đoạn. Khách giao dịch sau ngày đầu khá dao động với tin hợp nhất đã bình tĩnh trở lại sau những cam kết của NHNN và BIDV về đảm bảo quyền lợi cũng như nhu cầu hợp pháp. Theo số liệu mà BIDV đưa ra với báo giới, đến ngày 8/12 số tiền chênh lệch giữ rút ra/gửi vào chỉ là 400 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với ngày đầu tiên khi có tin hợp nhất. Đáng chú ý, nhiều khách hàng đáo hạn đã gửi ngược lại hệ thống và số khách hàng gửi mới cũng tăng lên.

 

Theo kế hoạch tài chính của SCB “mới”, mục tiêu lợi nhuận của năm 2012 sẽ là 667 tỷ đồng, con số này của năm 2013 và 2014 sẽ tăng lên 1,18 và 1,86 tỷ. SCB hợp nhất cũng đặt mục tiêu  tăng rõ rệt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 10,4% năm 2012 lên 12,1% và 13,6% trong 2 năm tiếp theo. Cùng với đó là nhóm giải pháp để duy trì nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ.
 
Ngân hàng hợp nhất: vốn 10,5 nghìn tỷ đồng, giữ tên SCB? - 3
Với nhiều bàn tay hỗ trợ, SCB "mới" sẽ kinh doanh hiệu quả hơn?

 

Cũng theo các kế hoạch của SCB “mới”, họ sẽ tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài cũng như phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cấp 2 nhằm hướng tới mục tiêu tăng vốn điệu lệ lên 16.000 tỷ đồng trong năm 2014, trong đó số cổ đông mới sẽ chiếm khoảng 6.000 tỷ vốn điều lệ.

 

Trước đó, theo nhiều tổ chức tài chính và định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới, việc sáp nhập, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là yêu cầu bức thiết đối với nền tài chính Việt Nam, trước những áp lực mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt.

 

Đánh giá cao việc hợp nhất 3 ngân hàng này, mới đây hãng định mức tín nhiệm Fitch cũng đưa ra nhận xét: “Động thái này nên được đặt trong bối cảnh của lộ trình mà Việt Nam đưa ra gần đây về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế rằng các ngân hàng này sáp nhập là kết quả của những vấn đề về thanh khoản đã cho thấy những áp lực mà hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang gặp phải”.

 

Fitch cũng cho rằng, việc huy động nguồn vốn mới cho các ngân hàng, hợp nhất và sự thap gia của các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp tăng cường khả năng chống chọi của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nền tài chính bất ổn vàn hiều thách thức như hiện nay.

 

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm