Cổ phiếu 3 ngân hàng hợp nhất “nhúc nhích” tăng giá

(Dân trí) - Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ngày hôm qua đã giúp cho cổ phiếu của nhóm này có giao dịch trở lại với mức độ tăng nhẹ.

Dạo trên sàn OTC sáng nay 7/12, giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được giao dịch với giá 4.930 đồng/cổ phiếu. Điểm đáng nói là cổ phiếu ngân hàng này từ ngày 6/12 trở về trước (khoảng thời gian 1/9/2011) không có giao dịch.

Với Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FCB), giá giao dịch trên OTC ngày 7/12 là 9.300 đồng/cổ phiếu. Trong tuần từ ngày 1 - 7/12, cổ phiếu của Ngân hàng Đệ Nhất dao động quanh giá từ 9.000 đồng - 9.700 đồng/cổ phiếu.

Riêng trong ngày hôm nay, giá giao dịch trên OTC của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (VTN) giảm 3,8 điểm (tương đương 76%) so với lần giao dịch trước đó là ngày 5/12, còn 5.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch của cổ phiếu ngân hàng này không nhiều.

Ngày 7/12, khối lượng giao dịch là 5.000.000 cổ phiếu, với mức giá khớp 5.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ngày 5/12 khối lượng giao dịch là 1.000.000 cổ phiếu, với giá 8.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 29/11, khối lượng giao dịch là 900.000 cổ phiếu, với giá 7.300 đồng/cổ phiếu…

Giới tài chính đánh giá, việc hợp nhất một cách tự nguyện của 3 ngân hàng thương mại cổ phẩn này sẽ có tác động tích cực đến thị trường, giúp ổn định tâm lý của người gửi tiền... Ngoài ra, với sự tham gia hỗ trợ từ phía BIDV, các ngân hàng này sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.

Theo báo cáo tài chính hết quý III/2011 của Ngân hàng Tín Nghĩa được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM, tính đến 30/9/2011, tổng tài sản đạt 58.939 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của ngân hàng là 4.20 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Tín Nghĩa là 432 tỷ đồng; Vốn điều lệ đạt 3.399 tỷ đồng; Nợ xấu 419 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến 374 tỷ đồng, chiếm 89,2% nợ dưới chuẩn. Trong danh mục chứng khoán đầu tư, khoản đầu tư lớn nhất là 2.200 tỷ đồng vào trái phiếu do Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát với lãi suất 16,2%/năm, thời hạn đáo hạn là 11/09/2015. Khách hàng cá nhân là đối tượng gửi tiền chính, chiếm 71% lượng tiền gửi, khoảng 25.000 tỷ đồng.

Còn theo thông tin được đăng tải trên website của Ngân hàng Đệ Nhất, tính đến 30/09/2011, tổng tài sản đạt 17.104 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 8.799 tỷ đồng tăng 238 % so với cuối năm 2010. Dư nợ tín dụng là 3.256 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 219,3 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên 2010, tính đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ xấu của Đệ Nhất là 2,20% tổng dư nợ cho vay.

Báo cáo quý III/2011 của Ngân hàng Sài Gòn cho biết, đến hết 30/09/2011 tổng tài sản đạt 77.983 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu là 4.861,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ là 4.184 tỷ đồng và lợi nhuận trước sau lũy kế quý III/2011 hợp nhất đạt 400,5 tỷ đồng. Đến cuối quý III/2011, Sài Gòn có khoản nợ Chính phủ và NHNN lên đến 2.156 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm chỉ là 717,8 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 42.171 tỷ đồng, với dự phòng rủi ro cho vay là 1.163 tỷ đồng.

Đến 30/11, Sài Gòn có 7.907 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán, tăng mạnh so với mức 6.038 tỷ đồng đầu năm. Tuy nhiên trên bảng cân đối thì trích lập dự phòng vẫn chỉ là 1,89 tỷ đồng. Theo công bố chỉ tiêu ngoài bảng cân đối thì SCB có cam kết phải thực hiện là 1.919 tỷ đồng và 540 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn gồm bảo lãnh vay vốn, cam kết L/C và các bảo lãnh khác.

Thông tin tài chính cơ bản của ba ngân hàng

(đơn vị: tỷ đồng)

Ngân hàng

Tín Nghĩa

Sài Gòn

Đệ Nhất

9T/2011

2010

9T/2011

2010

9T/2011

2010

Vốn điều lệ

3.399

3.399

4.185

4.185

3.000

3.000

Tổng tài sản

58.940

46.414

78.014

60.183

17.100

7.649

Lợi nhuận trước thuế

579

378

530

544

219

107

Lợi nhuận sau thuế

432

284

401

405

-

-

Tiền gửi khách hàng

35.029

25.546

40.900

35.121

8.800 (*)

5.360

Nợ Chính phủ và NHNN

-

-

2.157

-

-

-

ROA

0,83%

0,46%

1,39%

ROE

9,89%

5,69%

5,04%

Nguyễn Hiền