Ngân hàng dồn dập thay đổi nhân sự cao cấp
(Dân trí) - Bên cạnh xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng đang là chủ đề nóng bỏng trong mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, thì việc thay đổi nhân sự cao cấp cũng được nhiều ngân hàng dồn dập công bố.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội sáng 19/4, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã trình cổ đông miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị SHB nhiệm kỳ 2012 - 2017.
Theo đó, SHB trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Đàm Ngọc Bích và ông Phạm Hồng Thái.
Trước đó, bà Đàm Ngọc Bích đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Còn với Phạm Hồng Thái - người đại diện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam rút khỏi thành viên hội đồng quản trị SHB theo đề nghị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trong phiên họp Cổ đông thường niên lần thứ 22 vào ngày 19/4, Maritime Bank đã đệ trình nội dung nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB). Có lẽ để chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập này, HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) MDB đã đề cử những ứng viên đến từ hoặc có liên quan tới Maritime Bank để bầu bổ sung tại Đại hội thường niên năm 2014 của MDB. Trong đó, 4 thành viên bầu bổ sung HĐQT và ban kiểm soát của MDB đến từ hoặc có mối liên hệ với Maritime Bank.
Trước đó, tại đại hội cổ đông năm 2014 của Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) tổ chức cuối tháng 3, Chủ tịch HĐQT bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Chung và Thành viên HĐQT Trần Anh Tuấn xin từ nhiệm. NamA Bank đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ. Trước đó, Ông Vũ được HĐQT tin tưởng và bầu làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á từ tháng 4/2013.
Sacombank cũng vừa bổ nhiệm thêm 2 phó tổng giám đốc, đưa tổng số phó tổng giám đốc được bổ nhiệm từ đầu năm tới nay lên con số 4. Hiện Sacombank là nhà băng có nhiều phó tổng giám đốc nhất, với tổng là 20 người. Liên quan đến bộ máy lãnh đạo của Sacombank, vừa qua đại hội đồng cổ đông của Sacombank đã thông qua việc từ nhiệm của ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT và HĐQT đã thống nhất bầu ông Kiều Hữu Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT (Thành viên HĐQT độc lập) giữ chức danh Chủ tịch HĐQT từ ngày 24/3/2014.Tại đại hội cổ đông Ngân hàng Kiên Long mới đây cũng đã thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Trần Phát Minh và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2017 là ông Võ Văn Châu và bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương và bầu ông Đặng Minh Quân vào Ban Kiểm soát. Ông Trần Phát Minh xin từ nhiệm Thành viên HĐQT KienLong Bank với lý do cá nhân. Hiện ông Minh đang là cổ đông cá nhân nắm cổ phần lớn nhất tại hai ngân hàng là KienLong Bank và Sacombank với tỷ lệ lần lượt là 3,28% và 4,8%.
Cùng xu hướng thay đổi nhân sự cao cấp, ông Phạm Văn Bự sẽ rời ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) tại kỳ đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng diễn ra vào ngày 26/4 tới. Ông Bự giữ chức Chủ tịch HĐQT DongA Bank từ năm 2007 đến nay. Cá nhân ông không nắm cổ phiếu nào của DongA Bank, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn tại nhà băng này.
Lý do ông Bự rời ghế Chủ tịch HĐQT DongA Bank là do ông sẽ nghỉ hưu và không còn là đại diện phần vốn góp của Thành uỷ TPHCM trong DongA Bank. Người kế nhiệm sẽ được trình đại hội cổ đông thông qua là ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố biên bản kiểm phiếu về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc bầu bổ sung và đề cử, ứng cử nhân sự cho Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Ba ứng viên bao gồm ông Lê Hùng Dùng, ông Phạm Hữu Phú và ông Đặng Phước Dừa. Trong đó, ông Lê Hùng Dũng, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank được 4 cổ đông với tỷ lệ sở hữu 10,4% đề cử. Ông Phạm Hữu Phú được 8 cổ đông đại diện cho 11,3% cổ phần có quyền biểu quyết đề cử. Ông Đặng Phước Dừa được 15 cổ đông (gồm 1 pháp nhân) đại diện cho 10,6% cổ phần đề cử…
Như vậy, có thể thấy, chưa năm nào mùa đại hội cổ đông ngân hàng lại “nóng” chuyện thay đổi nhân sự cao cấp đến vậy. Theo đánh giá của giới chuyên gia, làn sóng ngân hàng thay tướng sẽ còn tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh mua bán, sáp nhập ngân hàng dồn dập như hiện nay.