1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng chạy đua tăng thị phần dịch vụ

Tăng trưởng tín dụng năm 2013 được dự báo tiếp tục khó khăn do các ngân hàng phải tập trung vào việc xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, không ít ngân hàng đã tập trung gia tăng thị phần dịch vụ nhằm bù đắp phần tín dụng sụt giảm.

Tăng dịch vụ để bù đắp khó khăn từ tín dụng

 

Một số chuyên gia tài chính nhận định, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng nước ta đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng. Các ngân hàng đang bước vào thời kỳ chạy đua, cạnh tranh phát triển lĩnh vực dịch vụ.

 

Doanh thu từ mảng dịch vụ tăng từ 15 - 20% năm 2011 lên 20 - 30% trong năm 2012 và vẫn đang trong xu hướng tăng trong năm 2013. Con số này vẫn còn khoảng cách xa với nhiều nước tiên tiến, song là một hướng đi đầy lạc quan.

 

Nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm khai thác xu thế sử dụng Internet của khách hàng, đẩy cuộc chiến giành thị phần vào một chiến lược mới...

 

Một lãnh đạo ngân hàng lớn đã từng chia sẻ trên báo chí rằng: Năm nay, dù tăng trưởng tín dụng khả quan hơn năm 2012, song nhìn chung vẫn khó khăn. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào tín dụng, hiệu quả sẽ không cao.

 

Do đó, ngân hàng này đang đẩy mạnh dịch vụ với hi vọng đưa thu nhập từ mảng dịch vụ cao hơn nữa trong tỷ trọng lợi nhuận ngân hàng.

 

Hai yếu tố có tính chất quyết định của các ngân hàng đối với mục tiêu này chính là phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và cải tiến công nghệ thông tin.
 
Ngân hàng chạy đua tăng thị phần dịch vụ

 

Điển hình là ngày 26/4 vừa qua, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng cao của khách hàng, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã chính thức triển khai website ACB phiên bản mới.

 

Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ cao của IBM được mã hóa theo chuẩn SSL 2048 bit/ngày. Cơ sở dữ liệu của Oracle giúp đáp ứng thời gian nhanh chóng  và các thiết bị tường lửa hàng đầu đang phục vụ 10 triệu giao dịch mỗi ngày với mức độ an toàn và bảo mật cao nhất.

 

Trong đó, một số tính năng được đánh giá là ưu việt nhất của Acb Online phiên bản mới hiện nay như: Dịch vụ thẻ, Quản lý tài khoản, Chuyển tiền, Thanh toán dịch vụ, Tiền gửi, Thanh toán quốc tế…

 

Giành thị phần thanh toán

 

Thực tế không phải đến bây giờ, các ngân hàng mới tham gia phân khúc thanh toán qua cước điện thoại. Song với tốc độ phát triển đến chóng mặt các thuê bao điện thoại, thì việc tự làm mới mình để giữ những khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng cũng như giành thị phần từ các đối thủ luôn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.

 

Theo số liệu mới đây nhất của Bộ Thông tin và truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện có là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Mật độ điện thoại di động Việt Nam đang ở mức 1,5 thuê bao/người dân. Đây là tỷ lệ điện thoại di động khá cao so với nhiều quốc gia có mức kinh tế như Việt Nam.

 

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, một vài ngân hàng đã tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn như giảm ngay 5% cước phí điện thoại khi khách hàng thanh toán qua hệ thống dịch vụ trực tuyến của ngân hàng.

 

Hay như tại ngân hàng ACB, nhân dịp triển khai ACB Online phiên bản mới, từ ngày 24/04/2013 đến 24/06/2013, ACB đã liên kết với Smarlink triển khai chương trình khuyến mại “Lướt online, lộc may đầy túi” dành cho các khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch chuyển khoản ngoài hệ thống ACB, nạp tiền điện thoại di động cho thuê bao trả trước và thanh toán cước điện thoại di động cho thuê bao trả sau.

 

Nếu so sánh với phương thức thanh toán truyền thống như thu tiền tại nhà, bán thẻ cào trả tiền… thì việc thanh toán cước điện thoại qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã thể hiện những tiện ích vượt trội.

 

Nó không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian đến các điểm thu tiền cước, không lo bị cắt dịch vụ, mà còn được tham gia nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi đi kèm từ chính các dịch vụ được cung cấp từ phía ngân hàng.

 

Rõ ràng, việc gia tăng thị phần dịch vụ đang cho thấy rõ đây là hướng đi đúng trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tăng cao do việc quá phụ thuộc lợi nhuận ở mảng tín dụng trong suốt một thời gian dài của các ngân hàng.

 

M.Linh