(Dân trí) - Gần đây, một số ngân hàng liên tục rao bán những khoản nợ liên quan đến nhà máy xử lý rác, đốt rác phát điện. Xu hướng cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh liệu có đi vào thoái trào?
Ngân hàng ồ ạt rao bán nhà máy điện rác: Xu hướng cho vay năng lượng tái tạo có thoái trào?
Hồi tháng 5, VietinBank Phú Quốc thông báo tìm người mua khoản nợ của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu theo hợp đồng tín dụng từ tháng 1/2017. Tính đến 25/4, tổng dư nợ của công ty này tại VietinBank Phú Quốc là hơn 114 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ gốc là 85,5 tỷ đồng, dư nợ lãi là 28,5 tỷ đồng. Từ tháng 11/2021, VietinBank cũng đã rao bán khoản nợ trên nhưng chưa ghi nhận kết quả giao dịch nào.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên của công ty là dây chuyền máy móc thiết bị xử lý rác theo công nghệ khí hóa phát điện và toàn bộ công trình xây dựng thuộc dự án, gồm khu nhà xưởng chính có diện tích 5.800m2, khu nhà đặt máy phát điện 1.200m2 và các công trình khác có diện tích hơn 2.600m2.
Trước đó, Agribank cũng liên tục "đại hạ giá" tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Năng lượng Someco 1 trong mỗi lần rao bán. Theo đó, khoản vay bằng nội tệ là 141,4 tỷ đồng. Dư nợ gốc và lãi tính đến cuối năm 2020 lần lượt là 113,7 tỷ đồng và 116,8 tỷ đồng.
Someco 1 cũng còn một khoản vay khác bằng ngoại tệ với Agribank trị giá 3,7 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ gốc là 666.706 USD và lãi là 437.240 USD.
BIDV tháng 3 năm nay cũng rao bán một dự án do Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư. Nhà băng này đưa ra mức giá khởi điểm cho lô tài sản này là 372 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so với trước đó.
Không chỉ ngân hàng phải lo phát mại tài sản hàng trăm tỷ đồng, nhiều chủ đầu tư làm điện mặt trời cũng "đứng ngồi không yên" trước khoản vay ngân hàng, nhất là có những dự án vay tới 70-80% vốn. "Cõng" nợ ngân hàng khiến không ít chủ đầu tư tới hạn trả nợ lao đao vì không biết lấy đâu ra tiền để trả.
Chia sẻ với Dân trí, giám đốc một công ty dịch vụ xây lắp có trụ sở tại TPHCM, đã thực hiện lắp đặt thi công cho hàng chục công trình điện mặt trời lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh thành phía Nam, cho biết thời gian vừa rồi nhiều chủ đầu tư làm điện mặt trời đã phải thanh lý chính máy móc, thiết bị đã đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng.
Ngay cả những dự án năng lượng gió - vốn được cho là có nhiều ưu đãi hơn về chính sách - cũng lao đao. Tài liệu Cục Cảnh sát kinh tế thu thập được cho thấy hiện có 62 dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để hưởng cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam theo Quyết định 37 và 39 của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp này không có doanh thu, gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng. Cục này đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát thông tin về các hợp đồng tín dụng, tình hình dư nợ, phân loại nợ với các chủ đầu tư.
Ồ ạt cho vay
Nhìn lại quá khứ, cách đây khoảng 2 năm, giai đoạn 2019-2020, không ít nhà băng khá hào hứng khi "khoe" cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Điều này không khó hiểu khi mà trong những năm gần đây, các cơ chế khuyến khích cùng nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ về giá điện… đã giúp điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện rác…) phát triển mạnh tại Việt Nam.
Hàng loạt ngân hàng như Sacombank, VietCapital Bank, BIDV, HDBank, VPBank, SHB, OCB… thời điểm cuối năm 2020 đã ồ ạt triển khai các chương trình cho vay với các dự án này.
Sacombank triển khai chương trình cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
BIDV cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời.
Còn HDBank, VietinBank, Viet Capital Bank… cho vay với doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà. Vietcombank lại tham gia tài trợ một số dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như các thủy điện nhỏ và vừa, dự án nhiệt điện sinh thái, dự án điện năng lượng mặt trời…
Điểm chung của các gói này là tỷ lệ cho vay rất lớn. Tại Sacombank, HDBank, tỷ lệ cho vay là 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án, VPBank là 80%, VietCapital Bank lên tới 85%...
Mức lãi suất cũng dao động từ 8%/năm đến 10%/năm, tùy từng ngân hàng và gói vay cá nhân hay doanh nghiệp. Thời hạn các gói tín dụng này cũng khác ở mỗi nơi. Ở HDBank là 5 năm, VietCapital Bank 7 năm, Sacombank 8 năm, VPBank 10 năm… Một số ngân hàng cũng cho phép doanh nghiệp có thể thế chấp chính hệ thống điện năng lượng tái tạo làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Báo cáo thường niên năm 2020 của SHB cũng cho biết, ngân hàng này chọn lựa và thúc đẩy chính sách tín dụng xanh, hướng các nguồn lực vốn vào các lĩnh vực xanh như các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, nhiệt điện và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý rác thải.
Theo SHB, điều này để tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong danh mục tín dụng của ngân hàng, tăng nhận thức của khách hàng về bảo vệ môi trường. Phía ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào cấp vốn bền vững bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt cho dự án mà ngân hàng cấp vốn.
Tín dụng xanh cũng là nhánh mà không ít nhà băng tập trung. Nhưng xanh đến đâu là đúng, đủ thì lại là câu chuyện đáng bàn.
Nỗi lo không chỉ riêng ai
Câu chuyện phát triển điện năng lượng tái tạo dường như không chỉ là nỗi lo của các chủ đầu tư khi "đổ tiền" ra làm mà còn với cả phía ngân hàng.
Về phía chủ đầu tư, Quyết định số 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020.
Ngoài ra, theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống. Đến năm 2021, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục tăng cao, chiếm tới 27% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống. Trong đó, nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện năng lượng tái tạo lên tới 60% nhu cầu công suất phụ tải, dẫn đến tình trạng quá tải đường dây truyền tải và khó khăn trong việc đảm bảo vận hành hệ thống điện.
Việc chưa có cơ chế mới và sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã khiến nguồn cung dư thừa, dẫn tới việc phải cắt giảm công suất. Điều này khiến các chủ đầu tư làm điện năng lượng tái tạo gặp khó.
Còn về phía ngân hàng, dư nợ cho vay các dự án tín dụng xanh của các nhà băng đã lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến hết 31/12/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, đồng thời tăng 32,5% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.
Chưa kể, một số ngân hàng còn tài trợ các dự án tín dụng xanh thông qua mua lại trái phiếu do chính doanh nghiệp đầu tư phát hành, nên con số thực có thể còn cao hơn nữa.
Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2020, trái phiếu riêng ngành năng lượng đạt 37.017 tỷ đồng, chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Tuy nhiên, đến năm 2021, con số này giảm xuống mức 28.453 tỷ đồng, tương ứng 4% tổng khối lượng. Sang tới nửa đầu năm nay, lượng phát hành trái phiếu năng lượng chỉ còn đạt 2.900 tỷ đồng.
Nguy cơ lặp lại "vết xe đổ" như tín dụng BOT, BT giao thông?
Đầu tư điện gió, điện mặt trời được xếp vào lĩnh vực được khuyến khích nhằm dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đây cũng được xem như xu thế của thế giới với vai trò có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết thực tế khi rót vốn, các ngân hàng còn yêu cầu tài sản đảm bảo khác chứ không dễ gì cho vay với tài sản đảm bảo là dự án. Tuy nhiên, tốc độ "trăm hoa đua nở" trong vài năm trở lại đây đặt ra nhiều vấn đề cho tín dụng của các nhà băng trong việc đánh giá năng lực trả nợ của các chủ đầu tư này.
Vị chuyên gia nhận định, các cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, điện gió, đặc biệt là cơ chế giá FIT khiến phát triển điện năng lượng tái tạo phát triển bứt phá. Tuy nhiên, nhiều dự án không kịp hoàn thành trước khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, dù các dự án hoàn thành, đi vào phát điện và đạt công suất nhưng vẫn khó khăn trong việc đưa vào lưới điện và phân bổ điện năng lượng theo tỷ lệ từng vùng trong mạng lưới điện EVN, chứ không phải được vận hành ồ ạt.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện của các dự án, tác động trực tiếp đến khả năng trả nợ ngân hàng khi khó tính toán hiệu quả đầu tư.
Một rủi ro khác là nguồn vốn huy động của các ngân hàng thường là ngắn hạn, song vòng đời của dự án lại dài hạn, từ 5 năm đến 15 năm. Các chủ đầu tư khi vay vốn ngân hàng có thể vay từ 70% tới 85% tổng mức đầu tư, nên áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án hàng tháng là rất lớn.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2017 và Thông tư 22/2019 nhằm "siết" giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo lộ trình, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ từ mức 40% năm 2020 xuống 30% từ đầu tháng 10 tới. Dù vậy, ông Hiển nhận định Thông tư 04/2022 mới ban hành về việc rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm mà số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu giúp khách hàng được dễ dàng hơn trong lựa chọn rút tiền nhưng vô tình biến tiền gửi trên danh nghĩa dài thành vốn có tính ngắn hạn.
Như vậy, dòng vốn ngân hàng vẫn có khả năng bị ảnh hưởng và tác động đến việc thu hồi vốn của các dự án lâu dài. Khi ngân hàng "bơm" nhiều vốn cho các dự án, trong trường hợp xấu, chủ đầu tư gặp khó khăn, việc này gây ra nguy cơ tín dụng xanh chuyển thành nợ xấu.
Trong khi đó, vốn những dự án này thường phụ thuộc lớn vào các ngân hàng. Vì thế, vị chuyên gia kinh tế cho rằng vốn ngân hàng chỉ nên "gánh" một phần, còn lại nên để các định chế tài chính, quỹ đầu tư, tổ chức bảo hiểm… tham gia.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy khi cần huy động vốn dài hạn, thì 70-80% là từ các định chế tài chính phi ngân hàng. "Còn ở Việt Nam thì ngược lại, thống kê từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn dài hạn 80% vẫn là từ các ngân hàng", ông nói. Với những dự án có vốn phụ thuộc lớn vào ngân hàng, trường hợp tăng lãi suất, khả năng trả nợ dòng tiền sẽ không đạt, rủi ro là có thể xảy ra.
"Vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đi một hướng khác, là phát hành trái phiếu để huy động vốn thay vì vay ngân hàng. Việc này dường như hướng đến xu hướng chung của thế giới, nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy gần 60% lượng trái phiếu vẫn là ngân hàng mua lại", ông cho biết. Theo ông, dù có thay đổi hình thức huy động thì đây vẫn là "sân sau" để ngân hàng rót vốn.
Theo vị chuyên gia, việc rót vốn theo trào lưu là nguy hiểm. Dù được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, song các ngân hàng chỉ nên lo vốn chủ yếu cho tiêu dùng cá nhân, sản xuất lưu động, dịch vụ khách hàng… Với việc "đua" tín dụng xanh như vài năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư lại đang ở thế lưỡng nan, thì tín dụng trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo vẫn có nguy cơ lặp lại "vết xe đổ" ở các dự án BOT, BT những năm trước.
Nội dung: Thảo Thu