Ngân hàng bảo lãnh dự án bất động sản từ trong “trứng nước”

Lần đầu tiên tại Việt Nam, mô hình hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án bất động sản được triển khai ngay từ khi dự án được triển khai, giúp người mua nhà yên tâm về đồng tiền mua nhà và khả năng hoàn thành của chủ đầu tư.

Phối cảnh Masteri Thảo Điền

Phối cảnh Masteri Thảo Điền
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Đàm phán TPP “nhích” thêm một bước

* “Thảm kịch” vụ bầu Kiên đã không lặp lại?

* 100 doanh nghiệp FDI tham gia kết nối tại Bắc Ninh

* MobiFone sẽ phát triển thành Tập đoàn

* [INFOGRAPHIC] So sánh phong cách sống giữa dân tài chính và dân công nghệ ở New York

* Lầu Năm Góc hé lộ chi phí "khủng" hàng ngày chống IS

* Mập mờ cơ chế nhập đường

Trải qua 3 năm thanh lọc, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười với người mua nhà đã xảy ra, khiến không biết bao nhiêu người khốn đốn vì ném tiền vào những dự án... trên giấy. Báo giới cũng từng nhắc đến rất nhiều vụ chủ đầu tư ôm tiền của khách mua nhà rồi đem đi trả nợ ngân hàng, đầu tư sang dự án khác hoặc thậm chí đi đâu không rõ.

Rất nhiều trường hợp, chủ đầu tư biến mất hoặc sa vào lao lý, nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là người mua nhà, khi những đồng tiền mồ hôi nước mắt tích cóp trong suốt thời gian dài bị chiếm dụng, không tài nào gỡ ra được khi những dự án không thể hoàn thành.

Thực tế, điều đó đã khiến niềm tin của người mùa nhà lung lay mạnh, bất chấp việc thị trường có dấu hiệu hồi sinh trong năm nay.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh BĐS đã tăng 2,93% so với cùng kỳ, cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường. Tính thanh khoản của thị trường căn hộ gia tăng đáng kể từ đầu năm đến nay, một mặt do nhu cầu của người dân, mặt khác do các nhà đầu tư đã mạnh dạn bỏ tiền vào kênh bất động sản.

Tuy vậy, người mua nhà vẫn còn rất nhiều lo lắng ngay cả khi đã quyết “mở hầu bao“ mua nhà tại một dự án nào đó. Điều này là có cơ sở bởi thời gian qua có không ít các vụ kiện cáo, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư vì những lý do như dự án chậm tiến độ, thu tiền không triển khai xây dựng...Có trường hợp, khách hàng đã đóng đến 90% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ nhưng dự án vẫn còn “trên giấy“.

Tại dự án Usilk City (Hà Nội) của Sông Đà Thăng Long (STL), sau nhiều năm góp vốn, đóng tiền, toàn bộ đại dự án hàng chục hecta này vẫn chỉ có 2 tòa nhà dang dở. Sau nhiều lần “binh đao”, chủ đầu tư thừa nhận không còn đủ năng lực hoàn thành. Các nhà đầu tư tiếc của đã phải tự đóng vai… chủ đầu tư, thành lập nhóm đại diện khách hàng, nhờ ngân hàng kiểm soát dòng tiền đóng tiếp để thuê nhà thầu thi công nốt tòa nhà.

Sự xuất hiện của ngân hàng với vai trò đơn vị thu xếp vốn, quản lý dòng tiền và bảo lãnh dự án đã manh nha được nhắc tới tại Việt Nam. Nhưng để triển khai cụ thể thì chưa nhiều. Ngân hàng Xây dựng sau khi công bố một chương trình hợp tác “4 nhà” hoành tráng, với trị giá 50.000 tỷ thì đã dừng vô thời hạn vì lãnh đạo ngân hàng vướng vào lao lý.

Mới đây, NHNN cũng giới thiệu mô hình liên kết 4 nhà, do BIDV chủ trì và nhiều ngân hàng tham gia, nhưng hiện vẫn chỉ dừng ở mức kỳ vọng bởi chưa có dự án nào được giải ngân theo mô hình này.

Mới đây nhất, có lẽ là lần đầu tiên tại VN, mô hình ngân hàng bảo lãnh dự án được áp dụng tại Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền do Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư. Theo đó, khách mua căn hộ tại dự án này được ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bảo lãnh hoàn toàn.

Theo thoả thuận được ký kết, Techcombank sẽ tài trợ tín dụng cho dự án, đồng thời quản lý mọi khoản tiền khách hàng chi trả cho chủ đầu tư. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết bàn giao nhà theo hợp đồng, Techcombank cam kết chi trả toàn bộ các lợi ích cho khách hàng theo quy định tại hợp đồng, bao gồm các khoản tiền khách hàng đã trả trước, tiền lãi và phí phạt liên quan mà chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán.

Mô hình liên kết này xuất hiện hoàn toàn gây bất ngờ cho thị trường cũng như giới kinh doanh địa ốc bởi đây là lần đầu tiên, người mua nhà có thể an tâm tuyệt đối với khoản đầu tư của mình.

Ngoài việc bảo lãnh và quản lý khoản tiền đóng cho chủ đầu tư, Ngân hàng Techcombank còn triển khai gói tín dụng hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng mua nhà tại Dự án Masteri Thảo Điền với lãi suất 8,99 % cố định trong 3 năm (36 tháng).

Trong lúc các dự án bất động sản mới đang được khởi động nhằm đáp ứng nhu cầu thực của người dân thì Thảo Điền Investment đã đi một bước khôn ngoan với sự bảo lãnh của ngân hàng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cuộc thanh lọc vừa qua đã từng bước giúp thị trường BĐS lành mạnh trở lại, và những mô hình hợp tác mới như ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu sẽ góp phần giúp người mua nhà an tâm hơn, giúp thị trường lấy lại niềm tin và đến sát với nhu cầu thực cũng như khả năng chi trả của người mua nhà hơn.

H.S
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”