Ngạc nhiên đến từ lớp triệu phú trẻ châu Á

(Dân trí) - Đầu năm ngoái, ông chủ một salon ô tô tại Singapore được một phen “choáng váng” khi có cặp đôi trẻ tuổi bước vào showroom và mua liền một lúc hai chiếc Lamborghini. "Chàng" lấy chiếc Gallardo màu xám, còn "nàng" chọn Gallardo Spyder màu vàng.

Ông Melvin Goh, chủ showroom Eurosports Motors, đại lý phân phối của hãng xe thể thao hạng sang của Ý - Lamborghini - tại Singapore, nói: “Thật kinh ngạc, hai thanh niên vào mua cho mỗi người một chiếc xe, tổng số tiền phải trả lên tới 2 triệu USD (Singapore đánh thuế rất cao đối với ô tô nhập khẩu, tổng các loại lên tới gần 300% - BTV). Tôi nghĩ họ chưa đến 30 tuổi.”

 

Ông cũng cho biết trong 3 năm qua, doanh số tiêu thụ xe hơi hạng sang, giá trung bình 650.000 USD/chiếc, tại showroom của ông tăng 30%/năm.

 

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán châu Á tăng trưởng mạnh mẽ trong mấy năm gần đây. Ông John Qu, phó chủ tịch công ty tư vấn Capgemini, cho biết thị trường vốn bùng nổ tại châu Á trong vài năm qua, GDP tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đó là nhân tố chính khiến nhiều người ở châu Á bỗng chốc trở nên giàu có.

 

Nguyên nhân thực sự đằng sau sự “phất” lên nhanh chóng này là do chính sách thông thoáng hơn, nhiều công nghệ mới xuất hiện và sự yếu thế rõ ràng của doanh nghiệp kiểu cũ trong cơ chế thị trường mới. Trên khắp châu Á, chính phủ các nước cởi mở hơn về chính sách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ đến hàng không và bưu chính viễn thông.

 

Sự xuất hiện ồ ạt của các công nghệ mới đã mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm và nhạy bén trước thời cuộc.

 

Quá trình cổ phần hoá khiến nhiều chủ doanh nghiệp bỗng chốc sở hữu khối tài sản khổng lồ. Trường hợp chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của một công ty cổ phần công nghệ tại Việt Nam là một ví dụ. Ông này đã lọt vào Top 10 người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán, sau khi công ty ông niêm yết lên sàn chứng khoán TP.HCM vào năm 2006.

 

Ông Yuwa Hedrick-Wong, cố vấn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard, lý giải sự bùng nổ của lớp tỷ phú trẻ châu Á bằng 2 xu hướng. Thứ nhất là sự sụp đổ của mô hình kinh tế gần như độc quyền, đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-98.

 

Thứ hai, theo ông, là sự phát triển nhanh chóng của Internet và các công nghệ mới khác, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Kết quả là sự ra đời của một lớp doanh nhân thành đạt hoàn toàn mới. Nhiều người trong số họ còn rất trẻ. Ví dụ như ở Trung Quốc, khoảng 22% doanh nhân mới thành đạt chỉ ở độ tuổi dưới 30, và 64% dưới 47 tuổi.

 

Mạnh tay trong chi tiêu

 

Theo báo cáo thịnh vượng thường niên năm 2007 của Merrill Lynch và Capgemini, châu Á chiếm gần 1/3 danh sách những người giàu trên thế giới. Khái niệm “giàu” ở đây được hiểu là những người có tài sản hơn 1 triệu USD. Công ty tư vấn Capgemini dự báo rằng tổng giá trị tài sản của những người giàu ở châu Á sẽ tăng 8,5%/năm từ nay đến năm 2011 lên khoảng 12,7 nghìn tỷ USD. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình trên thế giới - 6,8%.

 

Số triệu phú ở châu Á cũng ngày một tăng, đặc biệt là những người “siêu” giàu. Theo báo cáo trên, số người có tổng giá trị tài sản trên 30 triệu USD ở châu Á đã tăng 12% trong năm 2006 lên 17.500 người, vượt xa mức tăng khoảng 11% của thế giới.

 

Một số trật tự mới được thiết lập. Nhật Bản lâu nay vẫn là nơi có nhiều tỷ phú nhất châu Á, nhưng năm ngoái, Ấn Độ đã giành mất vị trí này. Theo xếp hạng mới nhất, công bố trong tháng 3/2008, của tạp chí Forbes về các tỷ phú trên thế giới, số tỷ phú USD ở Ấn Độ đã tăng lên 53 người, so với con số 34 của năm ngoái. Trên thực tế, Ấn Độ hiện có 4 tỷ phú đứng trong Top 10 người giàu nhất thế giới của Forbes, nhiều hơn bất cứ nước nào khác.

 

Trung Quốc đã bổ sung 28 tỷ phú mới vào danh sách trong năm vừa qua, nâng tổng số tỷ phú của đại lục lên 42 người, trong khi Hồng Kông bổ sung 5, nâng tổng số lên 26 tỷ phú.

 

Tất nhiên, không thể không kể đến việc đồng nội tệ của nhiều nước châu Á mạnh lên so với USD đã khiến tổng giá trị tài sản của các triệu phú, tỷ phú cũng lớn lên theo khi quy đổi ra USD. Ngược lại, do tài sản của nhiều người giàu mới nổi ở châu Á gắn liền với biến động giá cổ phiếu nên khi thị trường suy giảm như hiện nay, tổng giá trị tài sản của họ cũng giảm theo.

 

Tuy nhiên, dù giá trị tài sản có thể biến động theo thị trường, nhưng có một điều không thể phủ nhận là những doanh nghiệp trẻ thành đạt này đang có tác động lớn đến nền kinh tế châu Á, bằng việc tạo ra việc làm trong các ngành nghề mới, ủng hộ khá nhiều cho các hoạt động từ thiện, và kích thích sự phát triển của một thị trường hàng xa xỉ, từ du thuyền, xe hơi hạng đến hệ thống nhà hàng cao cấp.

 

Tại St. Julien, một nhà hàng Pháp cao cấp tại khu trung tâm thương mại của Singapore, một suất trứng cá Beluga của Nga 20gr có giá khoảng 300 USD, nhưng bán rất chạy. Chủ nhà hàng này cho biết một thực khác đã chi 10.000 USD cho một chai Château Petrus khi tổ chức tiệc tối tại đây hồi tháng 7/2007.

 

Điển hình về sự phóng tay của lớp “nhà giàu” mới ở châu Á phải kể đến việc “vua” internet Charles Zhang, người được mệnh danh là Bill Gates của Trung Quốc, đã mua một chiếc du thuyền dài 22m; hay như Kunisuke Sadakata, chủ tịch tập đoàn nhà hàng và khách sạn Alcazaba của Nhật Bản, đã “tậu” máy bay phản lực và trực thăng riêng. Tiếp đến triệu phú Vinit Kumar của Ấn Độ với bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật đắt giá của ông.

 

Sự nổi lên của lớp triệu phú, tỷ phú mới không có nghĩa là thế hệ trước đã hết thời. Đơn giản chỉ là danh sách người giàu ở châu Á được nối dài. Các ngành kinh doanh truyền thống như ngân hàng, địa ốc và dệt may hàng năm vẫn đem về những khoản lợi nhuận khổng lồ, và chủ nhân của chúng lại tiếp tục phóng tay.

 

Ví dụ như bức chân dung nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông của danh hoạ Andy Warhol đã được nhà sưu tập, doanh nhân bất động sản Joseph Lau ở Hồng Kông mua với giá 17,5 triệu USD trong cuộc đấu giá năm 2006. Đây là mức giá kỷ lục mà một bức hoạ của Warhol được trả theo hình thức đấu giá.

 

Tại Mumbai (Ấn Độ), Chủ tịch công ty Reliance Industries Ltd., ông Mukesh Ambani, 50 tuổi, thì đang bận xây một toàn tháp mới để làm nơi ở cho gia đình, trong khi ông đã có một toà nhà 14 tầng gần đó.

 

Xu hướng tiêu dùng mới này của một bộ phận người giàu đã khiến một số lãnh đạo các nước trong khu vực lo lắng đến tác động về mặt xã hội. Trong một bài phát biểu hồi năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo người dân nước này rằng: “Nếu để sự đố kỵ chia rẽ chúng ta, xã hội sẽ bị phá huỷ và tất cả đều bị tổn thương.”

 

Đặng Lê

Theo WSJ