1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyến “Đông tiến” của các thương hiệu đỉnh cao

(Dân trí) - Các tập đoàn phân phối hàng xa xỉ như LVMH đang tìm thấy hướng đi mới sau khi chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại Mỹ, nơi từng được coi là thánh đường “hàng hiệu”. Đó là khai thác tiềm năng của các thị trường mới nổi như châu Á.

Mới đây, khi quý ông Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của tập đoàn khổng lồ sở hữu các thương hiệu sang trọng bậc nhất thế giới LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, thông báo kết quả hoạt động của công ty trong năm 2007, ông đã đem đến nhiều tin vui, chứ không phải là tình cảnh “bi đát” như nhiều đối thủ cạnh tranh.

 

Doanh số của LVMH có thể sụt giảm mạnh tại Mỹ do tình hình khủng hoảng tài chính, nhưng các nhà chiến lược của công ty cũng đã đủ tỉnh táo để không còn coi Mỹ như một “mảnh đất vàng”. Năm 2007, lợi nhuận của LVMH đạt 2,96 tỷ USD, tăng 8%, trong tổng doanh thu 24,1 tỷ USD, cũng tăng 8%.

 

Trong số các nhãn hiệu thành công của LVMH, theo bản báo cáo tài chính của công ty, mác sâm-panh Moët & Chandon - đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục tại Nga, Trung Âu, Trung Quốc và Ấn Độ; thương hiệu Louis Vuitton thành công vượt dự kiến tại Trung Quốc và Hàn Quốc; còn sản phẩm đồng hồ Tag Heuer sẽ tìm kiếm cơ hội tại “miền đất hứa” Ấn Độ và Trung Đông trong năm nay.

 

Chuyến “Đông tiến” của các thương hiệu đỉnh cao - 1
 

Ông Arnault cho rằng trong 10 năm tới đây, 1/3 số hàng cao cấp của thế giới sẽ được tiêu thụ tại các nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Mỹ không còn là “thánh đường” của hàng hiệu

 

 LVMH và đồng nghiệp Pháp PPR - chủ sở hữu của các nhãn hiệu thời trang Gucci, Puma và Yves Saint Laurent, đã tỏ ra khôn ngoan và thức thời hơn cả, khi giảm sự tập trung vào thị trường Mỹ và tăng cường khai thác tiềm năng ở các thị trường mới nổi như Nga và Trung Quốc. Tập đoàn PPR đã công bố doanh số năm tăng 16%, nhờ doanh số của Gucci tăng 8,4%.

Chuyến “Đông tiến” của các thương hiệu đỉnh cao - 2

Những đôi giày thể thao bằng da và da lộn thêu chỉ vàng này sẽ chỉ xuất hiện duy nhất tại hệ thống cửa hàng của Gucci tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

 

LVMH cũng cho biết sự mất giá của đồng USD và tình trạng “ốm yếu” đồng yên Nhật  đã khiến tỷ lệ doanh thu của tập đoàn từ hai nguồn tiền tệ này giảm 2% so với năm 2006 xuống còn lần lượt là 30% và 11%.

 

Tuy nhiên, không vì thế mà ban lãnh đạo LVMH kém lạc quan về doanh số trong sẽ tăng gấp đối trong vòng 5 năm tới, lên gần 440 tỷ USD. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của PPR, ông François-Henri Pinault, cho rằng thị trường “hàng hiệu” thế giới sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay.

 

Nếu các “khách sộp” ở Mỹ và Tây Âu đã bắt đầu bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, vậy căn cứ vào đâu mà lãnh đạo các tập đoàn trên có thể đưa ra những dự đoán lạc quan? Theo báo cáo công bố ngày 1/2/2008 của ngân hàng HSBC, doanh số tiêu thụ hàng cao cấp tại Đông Âu, Trung Đông và châu Á (trừ Nhật Bản) hiện chiếm 30% doanh số toàn cầu và dự kiến tăng 20% trong năm 2008, bổ sung 6% vào doanh thu toàn ngành.

 

Cuộc chuyển dịch về phía Đông

 

“Điểm sáng về tốc độ tăng trưởng doanh số tiêu thụ hàng cao cấp hiện nay của thế giới là Trung Quốc,” chuyên gia phân tích Matt Marsden của HSBC nhận định. Trong vài năm qua, các tập đoàn như LVMH và Richemont - chủ sở hữu của các nhãn hiệu Cartier và Van Cleef & Arpels, đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số 40-70% tại Trung Quốc, dù chính sách áp thuế suất cao đối với hàng tiêu dùng cao cấp thường khiến giá sản phẩm của các tập đoàn này tăng gấp đôi.

 

Chuyến “Đông tiến” của các thương hiệu đỉnh cao - 3

Theo chuyên gia phân tích của HSBC, mặc dù hiện nay đối tượng người tiêu dùng thượng lưu chỉ chiếm 2% dân số, nhưng trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp nhận thêm khoảng 150 triệu người tiêu dùng thành thị và trung lưu sẵn sàng trở thành khách hàng của các thương hiệu cao cấp.

 

Các tập đoàn kinh doanh hàng cao cấp đã nhanh chóng nhận thấy sự chuyển dịch thị trường về phía đông. Tập đoàn Tiffany của Mỹ đã công bố kế hoạch mở 20 cửa hiệu mới ở châu Âu và châu Á. Tập đoàn Coach cũng đưa thị trường Nga vào “tầm ngắm” chiến lược, với kế hoạch mở 15 cửa hàng tại Mátxcơva và St. Petersburg trong 5 năm tới. Ngoài ra, Coach cũng sẽ mở thêm 30 cửa hàng tại Trung Quốc, nâng tổng số cửa hàng tại đây lên 80. Trung Quốc đang dần trở thành thị trường tiêu thụ hàng cao cấp lớn thứ ba thế giới của Coach, sau Mỹ và Nhật Bản.

 

Chuyến “Đông tiến” của các thương hiệu đỉnh cao - 4

Christian Dior, thương hiệu được các ngôi sao màn bạc Hollywood như Sharon Stone và Charlize Theron lựa chọn như một cách thể hiện đẳng cấp và phong cách, cũng đang tìm kiếm cơ hội tại châu Á.

 

Một thương hiệu cao cấp khác là Cartier cũng dự kiến mở tới 10 cửa hàng tại Trung Quốc trong năm nay, nâng tổng số cửa hàng ở nước này lên con số 24. Trong khi đó, Burberry gần đây đã mở một cửa hiệu tại Hồng Kông và hai tại Nga.

 

Đặng Lê

Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm