1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nga giành quyền kiểm soát dự án dầu khí mà Shell, Nhật Bản có cổ phần

Nhật Linh

(Dân trí) - Nga vừa tuyên bố giành quyền kiểm soát dự án dầu khí Sakhalin-2, một động thái có thể buộc Shell và Mitsui và Mitsubishi (của Nhật Bản) phải từ bỏ các khoản đầu tư của họ tại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh tuyên bố tiếp quản dự án dầu khí Sakhalin-2. Động thái này có thể buộc Shell (nắm giữ 27,5%) và hãng Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản (với tổng khoảng 22,5% cổ phần) phải từ bỏ các khoản đầu tư của họ.

Nga giành quyền kiểm soát dự án dầu khí mà Shell, Nhật Bản có cổ phần - 1

Dự án Sakhalin 2, chiếm khoảng 4% nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới, do Gazprom điều hành và sở hữu 50% cổ phần (Ảnh: Getty).

Bình luận về sắc lệnh này, gã khổng lồ dầu mỏ Shell cho biết: "Chúng tôi đã biết về sắc lệnh này và đang đánh giá các tác động của nó".

Sắc lệnh này cho biết một công ty mới sẽ tiếp quản tất cả quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment.

Trước đó, hồi tháng 2, Shell cho biết sẽ bán các khoản đầu tư tại Nga do cuộc xung đột tại Ukraine, bao gồm dự án hàng đầu Sakhalin 2 ở vùng viễn đông Nga. Hồi tháng 4, Shell đã ước tính thiệt hại khoảng 3,8 tỷ USD khi rời Nga.

Dự án Sakhalin 2, chiếm khoảng 4% nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới, do Gazprom điều hành và sở hữu 50% cổ phần.

Theo sắc lệnh, Gazprom tiếp tục nắm giữ cổ phần của mình, nhưng các cổ đông khác có được phép nắm giữ cổ phần trong công ty mới hay không sẽ do chính phủ Nga quyết định.

Trước đó, Reuters và Daily Telegraph đưa tin, Shell đã đàm phán với những người mua tiềm năng để mua lại cổ phần của họ tại dự án, bao gồm một số người mua từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden cho biết hãng đang đạt được tiến triển tốt trong kế hoạch rút khỏi liên doanh này.

Tuy nhiên, theo BBC, sắc lệnh này dường như sẽ có tác động sâu sắc đến Nhật Bản, nước tham gia mạnh mẽ vào các lệnh trừng phạt Nga.

Nhật Bản vốn phụ thuộc khá lớn vào việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong khi đó, cuộc cạnh tranh các lô hàng trên thị trường khí đốt toàn cầu hiện vô cùng gay gắt và chỉ riêng dự án Sakhalin đang đáp ứng khoảng 8% nhu cầu của họ.

Vì vậy, việc Nga chiếm quyền kiểm soát dự án sẽ khiến Tokyo phản ứng mạnh, mặc dù vậy, các bộ trưởng cam kết sẽ không ngừng nhập khẩu "ngay lập tức".

Nhưng nếu Nga cắt nguồn cung đối với Nhật Bản, nước này sẽ phải tìm nguồn cung mới, làm gia tăng sự cạnh tranh đối với những nguồn cung hiện hữu. Điều đó chắc chắn sẽ đẩy giá khí đốt trên toàn cầu tăng cao trong bối cảnh chi phí năng lượng đang khiến lạm phát phi mã.

Trước đó, Nhật Bản cho biết họ sẽ không từ bỏ những lợi ích tại dự án Sakhalin-2, một dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng nước này, ngay cả khi bị buộc phải từ bỏ. Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara cho biết chính phủ nước này đang xem xét các nội dung của sắc lệnh và phân tích ý định của Moscow.

"Nói chung, lợi ích của đất nước chúng tôi không thể bị tổn hại", ông nói trong cuộc họp báo và từ chối cho biết liệu Nhật Bản có liên hệ với Moscow về vấn đề này không.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết chính phủ Nhật không cho rằng sắc lệnh này là yêu cầu. "Sắc lệnh không có nghĩa nhập khẩu LNG của Nhật Bản sẽ bị vô hiệu ngay lập tức, nhưng cần chuẩn bị các biện pháp có thể để chuẩn bị cho những trường hợp bất khả kháng", ông nói.

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm