1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Nếu tăng lương, mức đầu tư phát triển có thể giảm”

(Dân trí) - “Chính phủ đề xuất vốn đầu tư phát triển 180.000 tỷ đồng, thấp hơn so với nhu cầu nhưng đây là mức rất cố gắng của ngân sách, còn nếu xem xét tiếp tục tăng lương thì con số này còn có thể giảm đi”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết.

Đề xuất phát hành thêm 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Trả lời trước Quốc hội về tình hình đầu tư công hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đây là vấn đề nói nhiều năm, trong đó vấn đề bức xúc là đầu tư dàn trải và hiệu quả kém. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và các bộ ngành liên quan đã cố gắng khắc phục tình trạng này, với mục tiêu là làm sao đầu tư tập trung hơn, hiệu quả hơn.

Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã quyết định một trong những giải pháp là trong trái phiếu Chính phủ sẽ phân bổ vốn trái phiếu chính phủ, rà soát lại vốn từ năm 2012 đến 2015. Đến nay, toàn bộ danh mục và tiền của trái phiếu Chính phủ được phân bổ cho từng danh mục một. Như vậy, các địa phương sẽ rõ ràng danh mục nào được đầu tư và không được đầu tư quá, cũng như xác định công công trình nào được hoàn thành, công trình nào phải dùng nguồn khác bù đắp.

Trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ cũng đã quyết định đưa ra trong kỳ họp này. Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, vì vốn đã phân bổ cho từng danh mục một nên để cuốn chiếu và làm nhanh, có thể tính toán phát hành thêm 60.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để bổ sung cho các danh mục đã bố trí trong 2013.

Về cân đối ngân sách cho đầu tư năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Nhu cầu đầu tư của các địa phương và bộ ngành rất lớn, trong khi nguồn lực đáp ứng thấp so với nhu cầu. Là cơ quan phụ trách vấn đề này, Bộ KH-ĐT cảm thấy áp lực".

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh.

Còn trên 600.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, năm nay, Chính phủ đề xuất vốn đầu tư phát triển 180.000 tỷ đồng, thấp hơn so với nhu cầu nhưng đây là mức rất cố gắng của ngân sách Nhà nước, còn nếu xem xét tiếp tục tăng lương thì con số này còn có thể giảm đi. Trong 180.000 tỷ này, có 39.000 tỷ là tiền thu từ đất của địa phương, nhưng nếu trong tình hình bất động sản còn khó khăn, các địa phương không thu được thì con số thực tế theo tính toán chỉ khoảng 140.000 tỷ. Và theo đánh giá của Bộ trưởngVinh, con số 39.000 tỷ này rất khó thực hiện trong 2013.

Cũng trong 180.000 tỷ này, Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ cân đối trong ngân sách của các địa phương là 93.100 tỷ (chiếm trên 50% tổng số vốn này). Như vậy, số này nằm trong cân đối ngân sách của địa phương do địa phương hoàn toàn chủ động quyết định, Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, các địa phương quyết định, trên Trung ương không phân bổ.

Ngoài ra, trong báo cáo về phân bổ ngân sách năm 2013 của Bộ Tài chính, ngoài số 93.000 tỷ cân đối cho các địa phương, thì trừ đi phần chi chung của ngân sách nhà nước là chi bù đắp cho ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng phát triển Việt Nam, dự trữ ... mất khoảng 10% (khoảng 20.000 tỷ), số thực tế còn lại của ngân sách Trung ương chỉ có 66.000 tỷ. Và tiếp tục hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ chương trình có mục tiêu 39.000 tỷ cho các địa phương, nên địa phương đã chiếm tới 73% trên tổng số vốn của 180.000 tỷ đồng, còn lại chi cho các nhu cầu của Trung ương chỉ có 27.000 tỷ. “Tôi nói cơ cấu này để các địa phương rất chia sẻ là trong điều kiện ngân sách rất nhỏ này thì tất cả đều cân đối cho địa phương, tỷ trọng rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

“Vừa qua chúng tôi có đi kiểm tra theo tinh thần Chỉ thị 1792 thì thấy, hầu hết cân đối trên Trung ương hỗ trợ cho các địa phương. Sau Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ được siết chặt nhiều, và có thể nói cơ bản giảm rất nhiều đầu tư mang tính chất dàn trải và tập trung cho cho công trình dở dang và hoàn thành, nhưng phần rất lớn là nằm ở các địa phương cân đối và do chủ quyền các địa phương cân đối vẫn còn dàn trải. Qua kiểm tra có một số tỉnh làm tốt như Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng có rất nhiều địa phương vẫn tiếp tục bố trí phần mình quản lý”, Bộ trưởng nói.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương sẽ giám sát việc bố trí vốn của các Ủy ban nhân dân ở địa phương. Bởi vì hiện nay Chính phủ đã giao toàn bộ tiền đó do Ủy ban nhân dân địa phương tự bố trí danh mục công trình và hoàn toàn quyết định. Theo Bộ trưởng Vinh, “đây là một biện pháp rất tốt để chúng ta làm chặt lại. Hiện nay vẫn còn hiện tượng dàn trải ở nguồn vốn này”.

Trong 3 năm tới, dự kiến vốn đầu tư phát triển khoảng trên 600.000 tỷ đồng, trừ đi 10% dự phòng rủi ro không thu đủ, còn lại khoảng 90%. Cụ thể năm 2013 là 180.000 tỷ đồng, 2014 tối đa 220.000 tỷ đồng và 2015 tối đa không quá 244.000 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến như vậy để trình Chính phủ và thông báo các địa phương biết là tối đa chỉ có bằng đó để thực hiện.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm