1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nên đầu tư vào đâu trong năm 2014?

(Dân trí) - Các chuyên gia đều chung một nhận định rằng, với những người có tiền dư thừa thì tiết kiệm vẫn là kênh sinh lãi an toàn nhất. Trong khi đó, nếu không đầu tư giá giảm đối với vàng thì nên lựa chọn chứng khoán thay vì bất động sản.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?” do báo Diễn đàn đầu tư tổ chức sáng nay 11/12/2013, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những nhận định và khuyến nghị đáng chú ý cho cá nhân cũng như doanh nghiệp về phương án đầu tư năm tới.

Nên đầu tư vào đâu trong năm 2014?

Ngoài kênh tiết kiệm, các kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời cao nhưng phải chấp nhận rủi ro lớn.

Quan trọng là tận dụng cơ hội thời khủng hoảng

Đã có những băn khoăn, "tốt nhất là không làm gì trong năm 2014 mới có cơ sống sót" hay nên gửi gắm dòng vốn vào những kênh đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản hay tiết kiệm? Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, "đúng là có nhiều doanh nghiệp mà tôi gặp đã nói trong giai đoạn này thà "ăn hại còn hơn phá hoại", thà ngồi im không làm gì còn đỡ thiệt hại hơn là đẩy mạnh kinh doanh. Do vậy, đã có những doanh nhân đã từ bỏ thương trường, bởi đầu tư gì trong giai đoạn này cũng khó khăn và nguy cơ mất vốn cao".

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 
 


Tuy vậy, theo ông, cũng có những doanh nhân lại đang âm thầm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở thêm các nhà máy mới hay mua lại các cơ sở kinh doanh. Trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội tốt cho người có nguồn lực và tầm nhìn.

Ông nói, "Điều tôi có cảm nhận rõ nhất có lẽ là chưa có lúc nào trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp lại xuống đến vậy. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là điều đáng lo ngại vì chính doanh nghiệp tư nhân trong nước mới là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong tương lai".

Ông Tuấn cũng hy vọng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những giải pháp đột phá hơn nữa về cải cách thể chế, có cơ chế tạo động lực để tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp mạnh mẽ trở lại.

Còn theo nhận định của TS. Quách Mạnh Hào - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), không làm gì cũng là một cách làm tốt trong thời khủng hoảng nhưng tận dụng cơ hội thời khủng hoảng mới là quan trọng. Tùy quan điểm mỗi người và tùy ngành mà họ tham gia thì mới có câu trả lời chính xác là làm hay không làm. 

Song nhìn chung, theo phán đoán của ông Hào, có lẽ phải từ 2 đến 3 năm nữa nền kinh tế mới thực sự bắt đầu một chu kì mới. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có tới đến 2 hoặc 3 năm để chuẩn bị tạo đà cho một chu kì phát triển mới.

Tiết kiệm vẫn an toàn nhất

Đánh giá về các kênh đầu tư cho năm 2014, theo TS. Quách Mạnh Hào, với tình hình hiện tại thì kênh gửi tiết kiệm là tương đối an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng tăng trưởng. 

"Nói như vậy, để thấy là nếu chúng ta cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh tiết kiệm có thể vẫn là kênh lựa chọn của phần đông", ông Hào lưu ý.

Tuy nhiên, sang năm 2014, khi mà các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi và triển khai thì kênh chứng khoán và có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý và tài sản các thị trường này có cơ hội tăng giá do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên. Ông cũng chia sẻ rằng, cá nhân ông ưa thích kênh chứng khoán hơn vì kênh này có mức thanh khoản cao hơn. 

Ông Hào nói thêm, "dự kiến là sự tăng trưởng của 2 kênh chứng khoán và bất động sản không dựa trên nền tảng của nền kinh tế thực nên tác động cho nền kinh tế có thể sẽ là sự kích thích lòng tham của cá thể trong nền kinh tế và do vậy có thể chúng ta lại chứng kiến các bong bóng tài sản nhanh chóng xuất hiện và xì hơi tạo ra một làn sóng nợ xấu mới. Tất nhiên, đây chỉ là một kì vọng mà tôi không muốn trở thành hiện thực".

Góp vào khuyến nghị này, với nguyên tắc "không bao giờ nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khuyên : Nếu bạn có nhiều tiền, nên để một phần ở ngân hàng, một phần đầu tư chứng khoán. Vấn đề là bạn phải biết cách để đầu tư chứng khoán có hiệu quả!

Cụ thể, với câu hỏi: "có 1 tỷ đồng, tôi nên mua chung cư trả góp để ở, đầu tư chứng khoán, vàng, USD để đủ tiền mua hay gửi tiết kiệm thì tốt nhất để có đủ tiền mua chung cư cỡ 1,5-1,8 tỷ đồng?", ông Nghĩa "mách nước" rằng, nên dành ra 50% số đó (1 tỷ) để mua trả góp, còn lại đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn vì rủi ro thấp, tuy nhiên lợi nhuận cũng khá thấp, nhưng an toàn!

Còn riêng kênh đầu tư vàng, ông Nghĩa cho hay, giá vàng được dự báo có xu hướng giảm dài hạn do kinh tế thế giới phục hồi. Vì vậy, không thể đầu tư theo hướng tăng giá, mà có thể đầu tư theo hướng giảm giá (vay vàng bán lấy tiền chờ giá xuống mua vàng trả).

Bất động sản đã hết thời?

Ở kênh bất động sản, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thực tế, nhiều lúc đầu tư vào bất động sản sẽ có lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Ví dụ như trước năm 2008, đầu tư vào bất động sản luôn luôn có lãi thậm chí có những lúc thu lãi tới 4 hoặc 5 lần.Trường hợp xấu nhất cũng ngang với gửi tiền vào ngân hàng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2008 mới có chuyện lãi suất ngân hàng tăng vọt do Nhà nước áp dụng một số chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Lúc đó, doanh nghiệp, người dân mới ham gửi tiền vào ngân hàng. Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào trầm lắng do không có vốn. 

Về lý thuyết, "đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng" bởi vì người ta cho rằng, đồng tiền đó để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi. Đầu tư vào tất cả các lĩnh vực khác bao giờ cũng được lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng nhưng chỉ có điều cũng có thể gặp phải rủi ro do đầu tư bị thất bại.

Hiện nay đầu tư vào gì ngoài ngân hàng thì là câu hỏi rất khó. Mỗi người có hoàn cảnh riêng sẽ phải có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình - ông Hùng Võ kết luận.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm