NĐT nước ngoài “chuộng” cổ phiếu nào?
Dù không được thừa nhận chính thức, nhưng giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đôi lúc được xem là “hàn thử biểu” của thị trường chứng khoán. Vậy họ đã mua bán ra sao?
Không chọn cổ phiếu giá cao hoặc tăng nóng
Trong số 109 loại cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang niêm yết tại HoSTC hiện đã có 10 loại cổ phiếu (tính đến ngày 10/7/2007) là AGF, BT6,TYA, STB, CII, GLI, GMD, IFS, REE và SAM đã hết room (tỷ lệ được phép sở hữu dành cho NĐT nước ngoài - 30% đối với ngành ngân hàng và 49% còn lại đối với các ngành khác).
Đáng chú ý là cả 10 loại cổ phiếu trên đều không có cổ phiếu nào nằm trong TOP 5 cổ phiếu có giá cao nhất sàn TPHCM hiện nay và REE, SAM là những cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên TTCK Việt Nam. Năm cổ phiếu cao giá nhất gồm BMC, FPT, TCT, SJS, DHG lại không phải là những cổ phiếu được ưa chuộng nhất.
Cổ phiếu “đầu bảng” BMC chỉ được các NĐT nước ngoài sở hữu hơn 346.000 cổ phiếu và chiếm tỷ lệ 8,81%, các cổ phiếu còn lại cũng đang còn khá nhiều room cho NĐT nước ngoài như DHG còn hơn 1,1 triệu cổ phiếu trong số 3,2 triệu cổ phiếu NĐT nước ngoài được phép mua, FPT còn đến trên 27,5 triệu/44,6 triệu, SJS còn 6,3 triệu/9,8 triệu và TCT còn hơn 746.000 cổ phiếu (NĐT nước ngoài mới sở hữu 2,27% tương đương với 36.300 cổ phiếu TCT).
Không những vậy, với những cổ phiếu tăng nóng và phi mã trong thời gian qua thì NĐT nước ngoài cũng khá thận trọng, ngoài BMC và TCT thì LBM mới bán được 22.590/803.188 cổ phiếu với tỷ lệ vỏn vẹn có 1,38%; SGH dù đồn đoán NĐT nước ngoài thu gom nhưng room vẫn còn khá nhiều (gần 281.000 cổ phiếu), riêng HAX còn đến 548.000/796.000 cổ phiếu.
Hai loại chứng chỉ quỹ là BF1 và VF1 cũng sắp hết room dành cho NĐT nước ngoài, chỉ còn chưa đến 5% dù BF1 hiện là loại chứng khoán có giá thấp nhất sàn TPHCM và VF1 mang nhiều “tai tiếng” thời gian qua.
“Nhắm” cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng
Trong số 9 loại cổ phiếu đã hết room dành cho NĐT nước ngoài, trừ TYA thì 8 loại cổ phiếu còn lại đều mang tên các doanh nghiệp làm ăn khá hiệu quả trong nhiều năm qua và ngành nghề có triển vọng trong thời gian tới như AGF (thuỷ sản), BT 6 (vật liệu xây dựng), GMD (vận tải biển và đang đa dạng hoá ngành nghề), REE (cơ điện lạnh, địa ốc, tài chính...), SAM (vật liệu viễn thông), IFS (nhiên liệu), GLI (thương mại), STB (ngân hàng) và CII (cơ sở hạ tầng).
Những doanh nghiệp trên phần lớn thương hiệu đã được NĐT nước ngoài biết đến trước khi đầu tư vào TTCK Việt Nam và thông tin, tình hình tài chính của họ khá minh bạch.
Riêng TYA (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên niêm yết) chưa phải là một “blue-chip” đúng nghĩa nhưng được ưa chuộng do cổ đông nước ngoài muốn nắm quyền “kiểm soát” nên tăng cường mua vào rất lớn trong thời gian qua.
Từ trước đến nay, các NĐT nước ngoài chưa bao giờ đầu tư mạnh vào những cổ phiếu cao giá nhất nhì hay tăng quá nóng trên sàn TPHCM. Ông Don Lam, Giám đốc Quỹ đầu tư Vina Capital cho biết: “Do đầu tư lâu dài và không chạy theo phong trào nên nhà ĐTNN luôn tránh những loại cổ phiếu có dấu hiệu bị đẩy giá hay tăng quá giá trị thực dù lợi nhuận trước mắt khá cao”.
Trong số 10 loại cổ phiếu trên thì không có cổ phiếu nào vượt quá giá 160.000 đồng (SAM cao nhất hiện chỉ 156.000 đồng/cổ phiếu), thậm chí CII, IFS, TYA,GLI đang ở mức dưới 80.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà phân tích chứng khoán Đặng Ngọc Thắng cho rằng: “Họ ưa chuộng các loại cổ phiếu giá không quá cao cũng không quá thấp vì nhận thấy triển vọng sẽ lên và có tính thanh khoản tương đối. Hơn nữa khi quá cao hay quá thấp dễ gặp nhiều rủi ro”.
“Gu” của NĐT nước ngoài và NĐT trong nước đôi khi khác biệt và nhiều trường hợp còn trái ngược. Trong danh sách 20 loại cổ phiếu mà SSI đưa ra với nhận định có tính thanh khoản tốt, đang “chiếm lĩnh” TTCK Việt Nam thì chỉ có 4 loại cổ phiếu có sức hút lớn đối với NĐT nước ngoài (hết room) là SAM, GMD, REE và STB, còn nhiều loại vẫn còn room khá nhiều như FPT, PPC, VHS, ITA, PVD,VIP...
Hiện nay, không ít loại cổ phiếu đang được nhiều NĐT nước ngoài “dòm ngó” và cũng sắp hết room như VNM (còn 4,2%), TDH (chỉ còn 0,64%), BMP (0,45%), TMS (còn 1,32%).
Theo Hà Phan
Báo Tiền phong