Buôn lậu đường trên biên giới Tây Nam - Chiếc vòi bạch tuộc

Nấu đường cát thành đường cục để tiêu thụ

Một đơn vị vây bắt độc lập không xuể, nhiều đơn vị liên kết cùng vào cuộc và thậm chí cả T.Ư đưa quân về hỗ trợ. Thế nhưng nhiều năm qua, nạn buôn lậu đường cát trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn như “chiếc vòi bạch tuộc” đầy thách thức: Chặt vòi này, mọc ra vòi khác.

Sự kiện ngành chức năng liên tiếp bắt giữ Hải “đường” (Tịnh Biên) và Tỷ “đường” (Châu Đốc) ở An Giang trong giữa tháng 1 và đầu tháng 2.2015 được xem như cơn “địa chấn”, vì đây được xem là 2 ông “vua” trong giới buôn lậu đường trên tuyến biên giới Tây Nam. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn “loạng choạng”, nạn buôn lậu đường đã quay trở lại với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn bao giờ hết.
 
Đường lậu núp bóng gạo sạch bị bắt giữ. Ảnh: Lục Tùng
Đường lậu núp bóng gạo sạch bị bắt giữ. Ảnh: Lục Tùng
 
Đột nhập kho hàng lậu

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Với tất cả sự cẩn trọng và khách quan, trước khi tìm hiểu chân tướng của thực trạng buôn lậu đường trên tuyến biên giới Tây Nam, tôi quyết định “đột nhập” tổng kho hàng lậu bên kia biên giới. Được sự giúp sức của “thổ địa”, tôi có mặt tại gò Tà Mâu (đối diện Vĩnh Ngươn - thị xã Châu Đốc), nơi được nhiều người biết đến với cái tên “Chợ Gò” bán đủ các mặt hàng, nổi bật nhất là thuốc lá, đường cát.

“Nó kìa”, theo hướng tay của “thổ địa”, tôi nhìn xuống bến kênh dưới chân cầu sắt dẫn vào khu vực chính Chợ Gò, một nhóm thanh niên đang tất bật “tha” những bao đường (50kg/bao) với đủ các nhãn hiệu nổi tiếng của Thái Lan, như “Con Ong”, “Mặt Trời”… xuống xuồng máy chờ sẵn. Chỉ một loáng, chiếc xuồng đầy ắp, tài công rồ máy chạy thẳng về hướng Châu Đốc. “Họ đưa về kho ở khu vực “Ba Ông Đá” (sát ranh giới với Châu Đốc - PV) để thay bao bì, nhãn mác VN chờ thời điểm tuồn vào nội địa” - “thổ địa” giải thích thêm.

Hình ảnh trên cho thấy dù đã “hạ” được 2 ông “vua”, “cơn lũ” đường lậu vẫn ùn ùn tràn qua biên giới. Theo “hồ sơ’ của lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang, hiện đối diện bên kia biên giới có đến 42 kho chứa hàng hóa, trong đó có cả hàng… lậu. Cụ thể đối diện với địa bàn TP. Châu Đốc có 17 kho, huyện Tịnh Biên 13 kho, huyện An Phú 10 kho...

Giật mình với “quái xế… đường”

Từ huyện Châu Phú lên TP.Châu Đốc, chúng tôi gặp hàng đoàn quái xế môtô lạng lách với tốc độ… “không biết chết là gì”. Khác với hình ảnh các quái xế thuốc lá giống như robot khi khắp người băng đầy những gói, cây thuốc lá, hoặc đai vác trên lưng… các quái xế này chỉ chất bao nylon màu trắng vào yên và lườn xe khi di chuyển. “Dân chuyển đường lậu đó” - một đồng nghiệp địa phương bật mí.

Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết - Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 tỉnh An Giang, sau khi triệt xóa hai đường dây lớn, buôn lậu đường không còn vận chuyển với số lượng lớn một cách ngang nhiên, thách thức như trước mà chuyển sang xé lẻ, sử dụng môtô đi thành đoàn, mỗi chiếc chở 2-4 bao (50kg/bao) chạy với tốc độ cao trên quốc lộ từ TP.Châu Đốc về Long Xuyên. Vẫn với phương thức cử người “canh đường” và tập trung đi vào ngày nghỉ, giờ tan tầm nên rất khó để cơ quan chức năng bắt giữ. Theo dự báo của bà Tuyết, tới đây nạn buôn lậu đường cát sẽ tiếp tục tăng nhiệt do lượng du khách đến An Giang sẽ tăng đột biến vào dịp lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam (tháng 4 âm lịch) sẽ kéo theo tăng nhu cầu mua sắm, trong đó có đường.

Vỏ quýt luôn dày trước khi móng tay kịp nhọn

Đó là tình cảnh hiện tại của cục diện “buôn lậu và chống buôn lậu đường” ở An Giang. Trong lúc dân buôn lậu chủ động đưa ra nhiều phương thức hoạt động thì lực lượng chống lậu vẫn chạy theo đuôi. Sau thời gian khá dài núp bóng nhãn mác đường nội giống như các Cty hợp pháp trong nước, hay sử dụng vỏ bao lúa, gạo sạch… để đưa hàng qua biên giới bị “bắt bài”, đội quân buôn lậu lại tung chiêu mới: Xé nhỏ ra thành gói 10-20kg/gói trước khi tuồn vào nội địa theo phương thức “kiến tha lâu đầy tổ”. Tuy nhiên trước khi lực lượng chống lậu kịp nghĩ ra cách để chế ngự mánh khóe này, họ lại tung ra tuyệt chiêu mới.

Trưởng phòng Phòng, chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan An Giang) Huỳnh Ngọc Hồ bật mí: “Hiện đang rộ lên phong trào nấu đường cát lậu thành đường phèn rồi vô tư chuyển đi bán công khai”. Đây là hành vi cực kỳ tinh vi vì đã xóa toàn bộ dấu hiệu bên ngoài của đường “ngoại”. Vì vậy đến nay đơn vị chỉ phát hiện 1 vụ từ dịp khá tình cờ ngày 2.5.2015. Qua theo dõi vụ chuyển đường nhập lậu, Chi cục Hải quan Vĩnh Xương (Tân Châu) truy đuổi đến cơ sở Như Ánh (xã Vĩnh Xương) thì phát hiện nơi đây đang trữ 60 bao đường cát trong vỏ đường nội”. Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai nhận mua đường cát từ Campuchia chuyển sang để sản xuất thành đường phèn chuyển lên TPHCM bán.

Đặc biệt hơn, mấy ngày nay, qua công tác trinh sát, Bộ đội Biên phòng An Giang đang tiếp nhận thông tin mới hơn: Dân buôn lậu đang pha đường với nước rồi cho vào thùng, can rồi công khai chuyển vào nội địa như chuyển… nước. Từ nghiên cứu nhận diện đến nghĩ ra biện pháp xử lý chiêu thức tinh vi cần thời gian không ngắn. Xem ra “móng tay” chưa thể nhọn kịp trước độ dày của vỏ quýt!
 
Theo Lục Tùng
Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”