Nắn “đường trời”, lợi hàng nghìn tỉ đồng

Với việc nắn đường bay và áp dụng các phương thức bay mới trong 5 năm từ 2008-6/2013, có 305.456 chuyến bay của các hãng hàng không, kể cả trong nước và nước ngoài đã rút ngắn được 15.525 giờ bay, với tổng số 62.045 tấn nhiên liệu.

Sơ đồ một đường bay được “nắn” lại.
Sơ đồ một đường bay được “nắn” lại.
 
Sáng 11/6, Cục Hàng không VN đã tổng kết 5 năm thực hiện tối ưu hóa đường hàng không, phương thức bay (PTB). Với việc nắn đường bay và áp dụng các PTB mới trong 5 năm từ 2008-6/2013, có 305.456 chuyến bay của các hãng hàng không, kể cả trong nước và nước ngoài đã rút ngắn được 15.525 giờ bay, với tổng số 62.045 tấn nhiên liệu.

 

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, hoạt động hàng không liên tục phát triển, số lượng chuyến bay trong vùng trời Việt Nam tăng liên tục khoảng 10%/năm. Năm 2008 thực hiện 315.316 chuyến bay, đến năm 2012 đã thực hiện 457.227 chuyến bay. Hằng năm tăng gần 30.000 chuyến bay. Áp lực về nhu cầu cải thiện, điều chỉnh và bổ sung đường hàng không và PTB để tối ưu hóa hành trình của các chuyến bay đảm bảo khai thác bay an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh quốc phòng và bay tiết kiệm nhất luôn là đề bài khó khăn đối với các cơ quan, đơn vị hàng không.

 

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các hãng hàng không khai thác trong vùng trời Việt Nam, tháng 7.2008, Tổ công tác liên ngành về đường hàng không và PTB đã được thành lập để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, điều chỉnh các đường hàng không, đường bay không lưu, cũng như việc đề xuất sửa đổi tối ưu các PTB hàng không dân dụng trong khu vực các sân bay.

 

Trong 5 năm qua, với việc thiết lập mới 17 đường hàng không quốc tế và 12 đường hàng không nội địa; cùng với việc điều chỉnh thông số và điều chỉnh chế độ hoạt động của 39 đường hàng không quốc tế và nội địa; xây dựng mới, sửa đổi bổ sung 300 trang sơ đồ PTB đi, đến, tiếp cận, bay chờ tại các sân bay đã làm lợi hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó có các PTB khi đưa vào hoạt động đã tiết kiệm được hàng triệu USD như: PTB hạ cánh đầu 26 sân bay Phú Quốc, đầu 02 sân bay Cam Ranh và đầu 35 sân bay Vinh. Hiện nay đang nghiên cứu điều chỉnh các khu vực bay tại vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất và một số khu vực sân bay khác để giảm quá tải vùng trời.

 

Đại diện cho các hãng hàng không, Vietnam Airlines cho biết: Các đường hàng không và PTB được điều chỉnh đã tạo thuận lợi cho các hoạt động bay, nâng cao khả năng thông qua của vùng trời và đường hàng không, tạo điều kiện cho các chuyến bay thực hiện hành trình bay tối ưu, bảo đảm an toàn, rút ngắn cự ly bay và tiết kiệm chi phí khai thác. Về hiệu quả kinh tế, trong 5 năm (2008-2012), riêng Vietnam Airlines cũng tiết kiệm khoảng 3.000 tỉ đồng. Việc tiết kiệm chi phí khai thác đã hỗ trợ một phần cho Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác của Việt Nam và nước ngoài vượt qua khó khăn trong thời gian qua.

 

Cũng theo Cục Hàng không, dự báo hoạt động hàng không dân dụng trong vùng trời Việt Nam sẽ giữ mức tăng trưởng khoảng 8%/năm. Hoạt động bay của không quân và các lực lượng bay khác cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hiện tượng tắc nghẽn trên không vẫn sẽ xảy ra ở một số đường hàng không và một số vùng trời sân bay. Vì vậy, trong giai đoạn 2013-2015, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp tục tối ưu hóa hệ thống đường hàng không và PTB dựa vào các chuẩn mực dẫn đường truyền thống, bên cạnh đó sẽ áp dụng từng phần phương thức dẫn đường mới để tiếp tục giảm thiểu thời gian bay trên trời của tàu bay và giảm tắc nghẽn trên không.

 

Theo Bích Liên

Lao động