Năm 2015, các “ông lớn” Nhà nước phải thoái hơn 20.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014-2015 là 22.504 tỷ đồng.
11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp
Riêng giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp.
Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp.
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, chưa kể số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiệm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014 - 2015 là 22.504 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2014, các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965 tỷ đồng).
Gắn với triển khai Đề án tái cơ cấu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan. Vốn chủ sở hữu của các DNNN năm 2013 đã tăng 15% so với năm 2012.
Nộp NSNN của các DN đạt 276.063 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2012. Các DNNN đã từng bước được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn.
Đến nay, cơ bản các DNNN đã và đang được sắp xếp để Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh, xã hội...
Để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của TĐ, TCT nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Đồng thời, tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả…
Trong năm 2015, để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo Bộ Tài chính, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước cần có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn 2015; đồng thời Báo cáo Chủ sở hữu các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết.
Bích Diệp