1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thoái vốn ngoài ngành: Hơn 11,4 nghìn tỷ đồng sẽ “chảy” khỏi ngân hàng?

(Dân trí) - Tính đến hết năm 2011, các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng; trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng.

Thoái vốn ngoài ngành: Hơn 11,4 nghìn tỷ đồng sẽ “chảy” khỏi ngân hàng?
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Trong khoảng thời gian 2005-2008, các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam được phép mở rộng ngành nghề kinh doanh khá dễ dàng. Theo Nghị định 09, công ty nhà nước được phép đầu tư trái ngành tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Hệ quả là đa phần các tổng công ty nhà nước đã đầu tư ngoài ngành.

Còn tính trong ba năm 2005-2007, liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành nghề được thí điểm thành lập. Sau đó, năm 2009-2010, kể cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, lại có thêm 4 tập đoàn mới được hình thành. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề, trong đó các lĩnh vực hấp dẫn nhất giai đoạn này là chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính…

Tính đến hết năm 2011, các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15%) so với năm 2010. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng. Đầu tư vào bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng và quĩ đầu tư là 677 tỷ đồng.

Trong số các tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, dẫn đầu là PVN, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp cao su, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các tập đoàn ra ngoài ngành khá thấp - dưới 7%, thậm chí bị thua lỗ kéo dài. Nhiều khoản đầu tư cổ phiếu bị tổn thất hoặc không nhận được cổ tức. Các hoạt động đầu tư ngoài ngành đối với hoạt động kinh doanh của các tập đoàn và tổng công ty đã không đem lại hiệu quả như dự tính.

Trước tình trạng đầu tư ngoài ngành dàn trải và kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính. Theo đó, từ cuối 2011 đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành và không có ngoại lệ.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, dựa trên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN được Chính phủ đặt ra vào cuối 2011 thì việc đến giữa 2014 mới chỉ thoái được khoảng 23% lượng vốn đầu tư ngoài ngành cho thấy quá trình thoái vốn vẫn chưa đạt. Quá trình thoái vốn hiện tại về cơ bản vẫn là việc các DNNN chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành của mình sang cho các DNNN khác.

Như vậy, xét về tổng thể nếu quá trình tiếp tục diễn biến như hiện tại thì hoặc có thể sẽ không cán được đích đề ra vào cuối 2015, hoặc nếu đạt được thì sẽ ở dưới dạng thoái vốn nội bộ khu vực DNNN và khi đó, lại tạo gánh nặng cho quá trình cổ phần hoá DNNN.

Đánh giá tác động kinh tế của quá trình thoái vốn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, quá trình này hầu như không ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế như tăng trưởng GDP, cán cân ngân sách, cán cân thanh toán, thu hút đầu tư nước ngoài, mặt bằng lãi suất và tỷ giá. Do việc thoái vốn đa phần diễn ra trong nội bộ của khu vực DNNN nên xét về tổng thể, hoạt động này cũng không tác động gì đến tình hình công nợ tại khu vực DNNN.

Ngoài ra, thoái vốn không ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và thoái vốn có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị thoái vốn.

Cũng theo ông Thiên, cản trở lớn nhất trước đây là yêu cầu thoái vốn nhưng “phải bảo toàn phần vốn và tài sản của Nhà nước”. Với Nghị quyết 15 của Chính phủ, rào cản này đã được tháo gỡ.

Còn cản trở lớn nhất hiện nay là liệu DNNN có quyết tâm muốn làm theo đúng kế hoạch hay không. Để giải quyết vấn đề này các DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng về qui trình thoái vốn: thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đầu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn nhà nước sẽ chuyển về cho SCIC như thế nào..

Ông Thiên cho rằng, Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ thoái vốn nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá doanh nghiệp.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”