1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Năm 2014, VAMC xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Trong năm 2014, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng, số nợ xấu đã xử lý được gồm xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ tập trung chủ yếu cho các khoản mua nợ của 2013.

Năm 2014, VAMC xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu
Năm 2014, VAMC xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tại cuộc họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều qua (23/12), thông báo về tình hình xử lý nợ xấu, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc VMAC cho biết, đến ngày 23/12/2014, VAMC đã mua được 123 ngàn tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu; theo kế hoạch năm 2014 mua nợ được từ 80-85 ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2014, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ, với số nợ xấu đã xử lý được gồm xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ tập trung chủ yếu cho các khoản mua nợ của 2013.

Ngoài việc hỗ trợ giải quyết nợ xấu của các TCTD, VAMC hỗ trợ đắc lực cho các khách hàng của tổ chức tín dụng, hỗ trợ điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp xử lý nợ xấu. Bản thân các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng do đó cũng có giảm, tuy nhiên việc đó là cần thiết để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong quá trình cấp tín dụng mới, NHNN đã chỉ đạo và các NHTM cũng thận trọng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới. VAMC cũng chỉ là một công cụ để xử lý nợ xấu. “Trong điều kiện xử lý nợ xấu không dùng ngân sách, với nhiệm vụ xử lý nợ xấu đặt ra, hoạt động của VAMC là phù hợp với bối cảnh hiện nay”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Về mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ năm 2015, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các TCTD. Điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Cùng với đó, ngành ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

An Hạ
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”