Thủ tướng Chính phủ:

Năm 2012, tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ

(Dân trí) - Năm 2012, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối.

Năm 2012, tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ  - 1
Năm 2012, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.
 
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 922/CT-TTg  yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

 

Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2012 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

 

Một là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối.

 

Tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống quản lý ngân hàng, thị trường ngoại tệ và vàng, tránh rủi ro, giảm nợ xấu, đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…

 

Hai là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ và minh bạch hóa chi ngân sách nhà nước và đầu tư công, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước; giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và giữ nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia ở mức an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

 

Ba là tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành giá cả theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm soát giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu…

 

Về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2012, Chỉ thị nêu rõ, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.

 

Ngoài ra, Chỉ thị cũng nhấn mạnh đến việc giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển;

 

Đồng thời, tập trung khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị tăng cao. Giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô và sơ chế; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

 

Ngoài ra, cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Nhật Linh