1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Năm 2012 khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%

(Dân trí) - Đây là cảnh báo của UB kinh tế khi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế quý I/2012 của Chính phủ được trình bày tại UB Thường vụ sáng nay (20/4). Lo ngại này rất hiện thực khi tăng trưởng GDP quý I/2012 ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Không hi vọng giữ lạm phát 8-9% mà đạt mục tiêu tăng trưởng

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ghi nhận, 3 tháng đầu năm, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Kinh tế quý I đạt được một số kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Giàu phân tích, khó khăn, thách thức sắp tới rất lớn. GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%). Mức tăng này, Chủ nhiệm UB Kinh tế chỉ rõ là thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% của cả năm 2012.
Năm 2012 khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%
Biểu đồ tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam 21 năm qua.

CPI tháng 3/2012 tăng 2,55%, thấp nhất trong vào 3 năm qua. Đặc biệt trong tháng 3 giá xăng được điều chỉnh tăng 10% nhưng do giá lương thực và thực phẩm chững lại nên lạm phát tháng 3 chỉ ở mức 0,16% thấp hơn nhiều so với dự báo của các cơ quan và các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, UB Kinh tế nêu ý kiến cho rằng, tăng CPI ở mức thấp cũng thể hiện những hậu quả khó khăn từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm tổng cầu đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta trong quý I/2012. “Có ý kiến cho rằng, từ quý II/ 2012, nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng về tăng giá một số hàng hóa và có thể lặp lại tình trạng lương tăng- giá tăng của những năm trước đây” - báo cáo thẩm tra cảnh báo.

Thông tin CPI tháng 4 sẽ tăng dưới 0,1% mà Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Quang Vinh vừa đưa ra, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho là tín hiệu rất quan trọng, “giảm xóc” cho tháng 5 khi bắt đầu thực hiện tăng lương cơ bản lên 1,05 triệu đồng/tháng.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng chia sẻ thêm, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát, theo báo cáo của Chính phủ năm 2012 khoảng 8-9% nhưng UB Kinh tế vẫn đề xuất giữ như Nghị quyết của QH là dưới 10% . “Nếu hạ lạm phát nhanh thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5%. Bám sát Nghị quyết của QH thì an toàn nhất. Tôi không hi vọng giữ lạm phát 8-9% mà đạt mức tăng trưởng đề ra” – ông Giàu thẳng thắn.

Thận trọng ban hành các loại phí mới

Một số chỉ số khác được cơ quan này phân tích càng thể hiện rõ hơn những dấu hiệu đáng lo ngại cho tình hình kinh tế từ giờ đến cuối 2012.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2012 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (quý I/2011 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2010)  báo động năng lực sản xuất đang suy giảm. Trong số 32 mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp thì có đến 18 ngành có tốc độ tăng trưởng giảm.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đột biến, đến cuối tháng 3/2012 tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011 . Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao, tình trạng tồn kho và lãi suất cho vay cao đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp.
 
Năm 2012 khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%
Các loại phí giao thông dự kiến áp dụng sẽ càng làm sức mua giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 570.000 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5% - mức tăng rất thấp so với trung bình hàng năm (loại trừ yếu tố giá, năm 2010 tăng 14,4% so với cùng kỳ; năm 2011 tăng 6,7% so với cùng kỳ) thể hiện tiêu dùng ngày càng giảm đi.

Mặc dù quý I/2012 xuất siêu đạt 220 triệu USD có tác động tích cực đến cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá nhưng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2011, giảm mạnh so với mức tăng cùng kỳ năm trước (23,8%) là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. 

Lãi suất huy động giảm, thanh khoản của một số ngân hàng đã cải thiện đáng kể so với năm 2011 thể hiện qua thị trường liên ngân hàng đã bớt căng thẳng thời gian gần đây. Dù vậy, lãi suất cho vay vẫn còn cao, tổng dư nợ tín dụng trong quý I/2012 tăng trưởng âm đã tác động mạnh hai mục tiêu: tích cực đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý.

UB Kinh tế kiến nghị 10 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2012. Trong đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa. Có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng lưu ý, việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.

P.Thảo