3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012
(Dân trí) - Với 3 kịch bản từ xấu đến trung bình và tốt do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đưa ra cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay, lạm phát cao nhất cũng chỉ ở mức 9-10%.
TS Lê Xuân Nghĩa: “Với mục tiêu kiềm lạm phát năm nay, Chính phủ ‘đắp chiếu ngủ’ - cứ để yên, không làm gì cũng có thể xuống dưới 10%” (ảnh: Bích Diệp)
Sáng nay, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) đã công bố 3 kịch bản sắp xếp theo tốt - trung bình và xấu cho triển vọng kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh chung kinh tế toàn cầu.
Theo đó, với kịch bản được coi là “sáng sủa nhất” cho năm nay, với việc tăng trưởng của các nước đang phát triển ở mức 5-6% thì GDP Việt nam dự kiến nằm trong khoảng 6-6,3%.
Trong trường hợp xấu, Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5,2-5,5% song như vậy cũng là cao so với mức tăng GDP của các nước đang phát triển chỉ dưới 4%.
Còn với kịch bản trung bình, UBGSTC cho rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng 5,6-5,9%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của các nước đang phát triển là 4-5%.
Một thông số quan trọng khác của kinh tế vĩ mô là lạm phát. Nếu như năm 2011, Việt Nam “chốt” mức tăng giá tiêu dùng (CPI) ở 18,13% thì khả năng 2012, CPI giao động trong 3 kịch bản từ 8% đến 10%.
Cụ thể, dự kiến CPI tăng 9-10% trong kịch bản tốt và kịch bản trung bình, lùi sâu hơn xuống 8-9% nếu kinh tế rơi vào kịch bản thấp.
Diễn đạt một cách hóm hỉnh và hình ảnh như cách nói của Phó Chủ tịch UBGSTC Lê Xuân Nghĩa thì “Với mục tiêu kiềm lạm phát năm nay, Chính phủ ‘đắp chiếu ngủ’ - cứ để yên, không làm gì cũng có thể xuống dưới 10%”.
3 mảng màu tối - sáng của bức tranh kinh tế vĩ mô thời gian tới
Đi vào từng bức tranh một, trong kịch bản khả quan, nền kinh tế của các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản sẽ duy trì được mức tăng trưởng như 2011 và có dấu hiệu phục hồi, kinh tế khu vực EU sẽ không quá mức bi quan. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng từ 12-13%; trong khi kim ngạch nhập khẩu dự báo tăng 13-14%; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu dự báo đạt 11-12% vào năm 2012, tăng so với tỷ lệ 9,9% năm 2011.
Khi nền kinh tế toàn cầu duy trì được mức tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được dự báo duy trì ở mức tương đương năm 2011. Vốn FDI dự kiến chiếm khoảng 23% tổng mức đầu tư toàn xã hội, tương đương khoảng 230 nghìn tỷ đồng.
Tại kịch bản trung bình, do tác động của nền kinh tế thế giới (sản lượng giảm khoảng 1% và thương mại giảm khoảng 3-4% so với 2011), tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu theo đó dự báo đạt từ 7-8%.
Lượng FDI vào Việt Nam dự báo sẽ thấp hơn một chút so với kịch bản trước, chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Theo UBGSTC, đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất; mức tăng trưởng 5,6-5,9% cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan này cũng tính toán, nếu với tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, nợ công Việt Nam năm 2012 sẽ đạt mức 58,8-59,2% GDP.
Đặt kịch bản xấu nhất là kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái thì Việt Nam sẽ bị tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Dự báo trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2011. Về nhập khẩu, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm kinh tế nên chính sách có phần nới lỏng hơn và vì thế nhập khẩu dự báo tăng 5-6%, theo đó tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu vào khoảng 9-10%.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam ước đạt khoảng 10 tỷ USD (tương đương khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Kết hợp với tỷ lệ bội chi ngân sách của năm 2012 được thông qua là 4,8% GDP, tính toán của UBGSTCQG cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 59,8-60,4% GDP.
Cơ quan này khuyến nghị, để đối phó với tình huống xấu nhất, Việt Nam cần có biện pháp để chủ động đối phó. Cụ thể, thay đổi định hướng chính sách theo hướng linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tăng an sinh xã hội; nghiên cứu khả năng triển khai gói kích thích kinh tế với những tính toán kỹ lưỡng về quy mô, liều lượng, đối tượng thụ hưởng.
Bích Diệp