Myanmar sẽ nhập khẩu dầu Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Reuters dẫn nguồn tin từ một phát ngôn viên quân đội Myanmar cho biết, nước này có kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu của Nga nhằm giảm bớt lo ngại về nguồn cung và giá cả tăng cao.

Myanmar là quốc gia đang phát triển mới nhất tuyên bố nhập khẩu dầu Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Quốc gia Đông Nam Á này vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Nga, ngay cả khi 2 nước đang chịu loạt trừng phạt từ các nước phương Tây.

Trong khi đó, Nga vẫn đang tìm kiếm khách hàng mới cho nguồn cung năng lượng của mình khi điểm đến xuất khẩu lớn nhất là châu Âu sẽ áp lệnh cấm vận dầu Nga theo từng giai đoạn vào cuối năm nay.

Myanmar sẽ nhập khẩu dầu Nga - 1

Myanmar có kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu của Nga nhằm giảm bớt lo ngại về nguồn cung và giá cả tăng cao (Ảnh: FrontierMyanmar).

"Chúng tôi đã được chấp nhận nhập khẩu xăng từ Nga", người phát ngôn quân đội Zaw Min Tun cho biết trong cuộc họp báo hôm qua (17/8) và thêm rằng xăng Nga rất được ưa chuộng vì "chất lượng và giá rẻ".

Theo truyền thông địa phương, các chuyến hàng dầu nhiên liệu sẽ bắt đầu tới Myanmar vào tháng 9.

Ông Zaw Min Tun cho biết, trong chuyến công du tới Nga vào tháng trước, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã thảo luận về vấn đề dầu khí. Myanmar hiện vẫn nhập khẩu nhiên liệu qua Singapore.

Theo đó, Myanmar sẽ xem xét việc khai thác dầu chung giữa Myanmar với Nga và Trung Quốc.

Một tuyên bố đăng trên tờ báo nước này cho hay, quân đội Myanmar đã thành lập Ủy ban Mua dầu của Nga để giám sát việc mua, nhập khẩu và vận chuyển nhiên liệu với giá hợp lý dựa trên nhu cầu của Myanmar.

Myanmar đang bị ảnh hưởng nặng nề từ giá nhiên liệu cao và việc cắt điện, vì vậy, các nhà lãnh đạo quân đội nước này đang chuyển hướng sang nhập khẩu nhiên liệu có thể sử dụng cho cả các nhà máy phát điện.

Giá xăng tại Myanmar đã tăng khoảng 350% kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra vào tháng 2 năm ngoái, lên mức 2.300-2.700 kyat (tương đương 1 USD) mỗi lít. Tuần trước nhiều trạm xăng ở nước này đã phải đóng cửa do khan hiếm nguồn hàng.

Theo Reuters