Myanmar: Hơn 4 triệu đồng một thẻ SIM điện thoại

(Dân trí) - Ở Myanmar, sở hữu điện thoại di động vẫn là một thứ xa xỉ khi mỗi thẻ SIM điện thoại có giá tới hơn 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng.

Xuất hiện tại Myanmar cách đây khoảng 10 năm dưới thời chính quyền quân sự, điện thoại di động tại Myanmar từng là một món hàng xa xỉ với đại bộ phận dân chúng khi giá mỗi thẻ SIM có thể lên tới 7000 USD. Đến nay, dù nó đã trở nên phổ biến hơn, người dùng vẫn phải trả tới hơn 200 USD để có được một thẻ SIM.

Nhiều người chờ đợi được sở hữu một thẻ SIM giá rẻ
Nhiều người chờ đợi được sở hữu một thẻ SIM giá rẻ

Bởi vậy trong ngày hôm qua (24/4), rất nhiều người Myanmar tại thành phố Yangon đã tụ tập trong đợt quay số may mắn nhận thẻ SIM, khi họ chỉ cần phải trả khoảng 2 USD là có được một số điện thoại.

Theo Reuters, đợt quay số này chính là bước đi thử nghiệm đầu tiên hướng tới một cuộc cách mạng viễn thông đã từng thay đổi nhiều xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên khắp thế giới, và có thể tạo sự đột phá tại Myanmar. Sau nhiều thập niên bị cô lập, Myanmar giờ đây là quốc gia nghèo thứ hai châu Á, chỉ hơn Afghanistan.

Đợt quay số bán thẻ SIM nêu trên được thực hiện bởi công ty bưu chính và viễn thông Myanmar của chính phủ Myanmar với mục tiêu bán 350.000 SIM giá rẻ. Đến nay, ngoài công ty này, chỉ còn Yatanarpon Teleport, một liên doanh giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước với chính phủ Myanmar là được cấp giấy phép hoạt động viễn thông.

Phải đến ngày 27/6 tới, Myanmar mới công bố những người chiến thắng trong cuộc đấu thầu 2 giấy phép hoạt động viễn thông thời hạn 15 năm cho các công ty nước ngoài. Chính tiềm năng lớn của thị trường này, theo các nhà phân tích Myanmar là quốc gia ít kết nối nhất thế giới, sau cả Triều Tiên, đã khiến có tới hơn 90 công ty và các tập đoàn nước ngoài bày tỏ nguyện vọng được tham gia giành 2 giấy phép này.

Tuy nhiên Ủy ban đánh giá và lựa chọn nhà thầu dịch vụ viễn thông Myanmar cuối cùng chỉ cho phép 12 ứng viên tham gia bỏ thầu, trong đó có tập đoàn Bharti Airtel của Ấn Độ, KDDI Corp của Nhật, MTN của Nam Phi, Singtel của Singapore, Telenor của Na-uy, một tập đoàn do tỷ phú Mỹ George Soros “chống lưng” và China Mobile, nhà mạng lớn nhất nhì Trung Quốc đã bắt tay với Vodafone.

“Đợt đấu thầu được xem như một trong những cơ hội kinh doanh hấp dẫn nhất còn có trên thế giới trong lĩnh vực viễn thông”, Marae Ciantar, một luật sư của công ty luật quốc tế Allens tại Singapore khẳng định. Allens là công ty từng tư vấn cho nhiều tập đoàn viễn thông muốn đầu tư vào Myanmar.

Điện thoại di động vẫn là đồ xa xỉ tại Myanmar
Điện thoại di động vẫn là đồ xa xỉ tại Myanmar

Tăng cường kết nối

Sau nhiều thập niên bị bỏ mặc dưới thời chính quyền quân sự với hạ tầng ở mức chỉ có “khung xương” và đáp ứng được một vài chủ thuê bao có điều kiện mua thẻ SIM, chỉ khoảng 9% người Myanmar sử dụng điện thoại di động.

Đó là con số của chính phủ cung cấp. Còn theo con số được tập đoàn Ericsson của Thụy Điển công bố hồi năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là dưới 4%. Trong khi đó Tổng thống Thein Sein đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này lên 80% trong năm 2015.

“Tiềm năng của thị trường rõ ràng vô cùng lớn”, Ciantar khẳng định.

Ericsson ước tính tổng tác động đến nền kinh tế của riêng ngành di động Myanmar có khả năng đạt tới 7,4% GDP trong vòng 3 năm sau khi các giấy phép hoạt động mới được cấp phép.

Không chỉ có các công ty viễn thông, rất nhiều tập đoàn khác đang hối hả xâm nhập thị trường 60 triệu dân này. Tháng 2 vừa qua, hãng bia Carlsberg của Đan Mạch khẳng định sẽ quay trở lại đây sau khi phải ra đi hồi những năm 1990 vì lệnh cấm vận.

Các công ty năng lượng từ Mỹ, Canada, Anh, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nơi khác đang chạy đua xin giấy phép thăm dò, khai thác.

Thúc đẩy kinh tế, chính trị

David Butcher, một nhà tư vấn thị trường viễn thông từng nghiên cứu ngành này tại Myanmar cho ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, một khi các mạng điện thoại di động giá cạnh tranh ra đời, nền kinh tế nông nghiệp của Myanmar sẽ được kích thích mạnh. “Một số tính toán cho thấy tác động của việc sở hữu điện thoại di động có thể tăng thu nhập nông thôn khoảng 20%”.

Vodafone cho biết nếu giành được giấy phép, họ sẽ triển khai hệ thống M-Pesa, cho phép thực hiện các giao dịch tài chính ngay trên điện thoại di động. Hệ thống sẽ giúp những người dân ở các khu vực kém phát triển tiếp cận dịch vụ tài chính dù ở khu vực đó có ít hoặc không có ngân hàng nào.

“Tại Kenya, chuyển tiền qua điện thoại di động là yếu tố thay đổi hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ tài chính cho tầng lớp trung lưu và người nghèo”, Nick Read, CEO của Vodafone khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương cho biết. “Năm 2006 chỉ có 20% người trưởng thành tại Kenya có thể tiếp cận dịch vụ tài chính. Nhưng đến cuối năm 2010, tỷ lệ này đã nhảy vọt lên 75%”.

Bài kiểm tra

Quá trình đấu thầu giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được xem như một bài kiểm tra cách tiếp cận của chính phủ Myanmar đối với việc quản lý đầu tư trong các lĩnh vực khác. “Những nhà đầu tư tiềm năng vào Myanamar và các nhà tư vấn cho các nhà đầu tư quốc tế đã theo dõi quá trình đấu thầu một cách chặt chẽ với sự quan tâm lớn”, Ciantar cho biết và khẳng định đến nay mọi việc diễn ra “rất minh bạch”.

Butcher cho biết, trước những nghi ngờ rằng một số doanh nghiệp tìm cách “đi cửa sau”, tác động tới một số người để thắng thầu, hồi tháng Giêng vừa qua chính phủ đã có một chiến dịch điều tra chống tham nhũng chưa từng có. Hàng chục quan chức Bộ viễn thông, trong đó có cựu Bộ trưởng Thein Tun, người đã phải từ chức trong tháng đó không rõ lí do. 8 quan chức cấp cao khác đã được tái khẳng định vị trí của mình trong tháng 3.

Trong khi các doanh nghiệp viễn thông và chính quyền đang bàn về những tiềm năng to lớn mà ngành này có thể tạo ra đối với nền kinh tế và xã hội, người dân trên đường phố Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar lại có mong muốn đơn giản hơn nhiều.

“Tôi có thể kết nối với bạn bè và hành khách còn gia đình có thể gọi cho tôi nếu có chuyện gì khẩn cấp”, Kai Saw Lin, một lái xe ôm với thu nhập khoảng 4,5 USD/ngày chia sẻ. Dù vậy ông nói rằng cho dù có giành được một thẻ SIM trong đợt quay số, ông cũng không có tiền để mua điện thoại mà gắn SIM.

Thanh Tùng
Theo Reuters