1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỹ thỏa thuận nâng mức nợ quốc gia

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo vừa đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện để nâng giới hạn mức nợ quốc gia, trong nỗ lực cuối cùng nhằm đạt được thoả thuận để ngăn chặn tình trạng chính phủ vỡ nợ.

 
Mỹ thỏa thuận nâng mức nợ quốc gia - 1

Mitch McConnell (giữa), lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, tươi cười sau khi các bên đạt được thỏa thuận.

Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu mức trần đối với nợ công không được nâng lên trước ngày 2/8. Người ta lo ngại nếu điều này xảy ra, nền kinh tế thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, vào ngày đó, bộ này sẽ không còn tiền để chi trả các hóa đơn và sẽ không còn khả năng quản lý nợ quốc gia.

Tuyên bố với báo giới từ Nhà Trắng, tối 31/7 (giờ Washington), ông Obama thông báo thỏa thuận đạt được ngay trước hạn chót, theo đó cắt giảm 1.000 tỉ USD chi tiêu trong 10 năm và lập ra một ủy ban lưỡng đảng trong Quốc hội để xét đến khả năng giảm thêm.

Các quan chức Mỹ cũng cho hay thỏa thuận này sẽ nâng trần nợ của Mỹ hiện nay thêm ít nhất 2.100 tỷ USD. Trần nợ công của Mỹ hiện là 14.300 tỷ USD.

“Tất cả các vấn đề sẽ được mang ra bàn và thỏa hiệp”, Tổng thống Mỹ nói.

Ông Obama gọi sự kiện vừa đạt được là một thỏa hiệp giúp nước Mỹ tránh tình trạng không trả nợ đúng hạn và đặt nền móng nghiêm túc để làm giảm thâm hụt ngân sách.

Theo dự đoán, thỏa thuận này sẽ được biểu quyết trước hai viện vào ngày 1/8 (giờ Washington). Thỏa thuận cuối cùng sẽ nâng giới hạn mức nợ và giúp chính quyền giữ đúng các nghĩa vụ trả nợ.

Chiều 28/7, Hạ viện đã bỏ phiếu để thông qua kế hoạch đã được bổ sung sửa đổi nhằm tránh cho chính phủ Mỹ khỏi bị vỡ nợ sau thời hạn 2/8. Nhưng Nhà Trắng (đã từng dọa sẽ phủ quyết) và phe Dân chủ (chiếm đa số ở Thượng viện) cùng chống lại dự luật.

Mọi bên đều đồng ý cần cắt giảm công chi và nâng mức trần nợ nần của quốc gia. Nhưng các bên đều tranh cãi từ nhiều tuần qua để xem phải cắt giảm những gì và các cắt giảm này phải được thực hiện nhanh mức nào.

Các thị trường Mỹ và thế giới nôn nóng theo dõi các diễn biến tại Washington suốt những ngày qua.

Nếu không có thỏa thuận trước ngày 2/8, kinh tế thế giới có thể tiến đến một hướng bất định, vì mọi quốc gia đều đang phấn đấu để phục hồi sau khủng hoảng.

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ trợt giá mạnh nhất trong năm, trong khi đồng USD cũng mất giá.

Hôm 30/7, tranh cãi chính trị ở Mỹ làm USD xuống giá ở mức kỷ lục và làm giá vàng lên quá 1.600 USD/ounce, gấp đôi cách đây hai năm. Giá vàng lên làm những người buôn bán vàng lo âu.

Trên khắp châu Á, lượng cầu của vàng vẫn còn mạnh, nhưng trước giá cả có thể vẫn còn tăng do tình hình tranh cãi giữa hai đảng ở Mỹ, những người buôn bán vàng tin rằng họ sẽ bị ảnh hưởng lây.

Việt Hà
Theo AP, Reuters