“Cuộc so găng” nguy hiểm của nước Mỹ

Theo các nhà phân tích thì cuộc khủng hoảng nợ này thực chất là một ván bài cân não giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, hay nói một cách ví von thì đây là "cuộc so găng" giữa lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa.

“Cuộc so găng” nguy hiểm của nước Mỹ  - 1
Cuộc khủng hoảng nợ công này được ví von như là "cuộc so găng" giữa lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa.
 
Theo hãng tin Reuters, tính tới 0 giờ ngày 1/8 (giờ Việt Nam), với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, kế hoạch của lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid đã không đạt đủ 60 phiếu ủng hộ cần thiết. Nói một cách khác, đề xuất trần nợ của đảng Dân chủ đã bị Thượng viện bác bỏ.

 

Trước đó, chiều 29/7, với tỷ lệ 218 phiếu thuận và 210 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mới về nâng mức trần nợ công do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đề xuất. Dự luật này đã được đảng Cộng hòa điều chỉnh so với trước đó để tìm kiếm sự ủng hộ của thành phần bảo thủ trong nhóm Trà đảng.

 

Chưa đầy hai giờ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ, Thượng viện Mỹ tối 29/7 đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đề xuất. Với tỷ lệ 59 phiếu chống và 41 phiếu thuận, dự luật này đã bị Thượng viện do phe Dân chủ chiếm ưu thế bác bỏ.

 

Phần lớn các thành viên của Thượng viện cho rằng, kế hoạch hai bước này của Hạ viện sẽ gây phương hại cho việc hồi phục kinh tế mong manh của nước Mỹ khi nó đòi hỏi một cuộc tranh luận về giới hạn nợ đầy gian nan vào đầu năm tới.

 

Việc Thượng viện Mỹ bác bỏ dự luật nâng trần nợ công của Hạ viện Mỹ là không bất ngờ, bởi trước đó, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ bác bỏ dự luật. Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố dự luật do đảng Cộng hòa đưa ra sẽ không có cơ hội trở thành luật.

 

Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền của Tổng thống Barack Obama cầm cự đến ngày 2/8 tới.

 

Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện, do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thực hiện một số nghĩa vụ tài chính và lâm vào cảnh vỡ nợ.

 

Lãnh đạo các doanh nghiệp và tài chính cảnh báo vỡ nợ sẽ gây ra những dư chấn to lớn đối với nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang trong quá trình phục hồi mong manh sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008.

 

Hôm 29/7, tạp chí trực tuyến IMFdirect của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu bật hai thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Mỹ là nâng trần nợ và bắt đầu tiến trình khó khăn giảm thâm hụt ngân sách và nợ.

 

Theo IMF, tới cuối năm nay, nợ liên bang sẽ chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ, tăng gấp đôi so với mức 36% của năm 2007. Thâm hụt tài chính liên bang sẽ lên tới 9,3% GDP. Cả hai khoản nợ này đều báo động sự không bền vững của nền kinh tế Mỹ.

 

IMF cảnh báo, nếu Chính phủ Mỹ không hành động nhanh chóng, nợ sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tăng trưởng của nền kinh tế. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng của kinh tế Mỹ chưa đầy 2%, không đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp quá cao hiện nay. Tỉ lệ thất nghiệp cao kéo dài có thể đe dọa triển vọng dài hạn của nền kinh tế.

 

Thử nghiệm để nền kinh tế Mỹ mất tín nhiệm về tài chính là một kịch bản quá nguy hiểm nên ưu tiên cao nhất hiện nay phải là đạt được thỏa thuận chính trị về kế hoạch điều chỉnh toàn diện với quy mô thích hợp bắt đầu bằng quá trình củng cố tài chính trong năm tài chính 2012.

 

Ngoài việc bị các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh tụt hạng, theo giới phân tích tài chính quốc tế, Mỹ sẽ không thể vay mượn thêm để trả nợ, trả lương, giá trị đồng USD giảm mạnh và gây tác động lớn đến thị trường toàn cầu.

 

Các ngân hàng quốc tế lo ngại nếu Mỹ vỡ nợ, đồng USD có thể sụp đổ, tàn phá các nền kinh tế từ châu Á đến châu Phi và có thể làm nổ ra bất ổn chính trị ở nhiều nơi trên thế giới. Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã và đang bán dần USD và bổ sung bằng các loại tiền tệ khác.

 

Trong khi, nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa thị trường. Chẳng hạn như Trung Quốc, Mexico đang thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu và hợp tác đầu tư với Mỹ Latin và các thị trường khác mà trước nay Mỹ chiếm lĩnh.

 

Theo hãng tin AP, mặc dù hầu hết các quan chức quốc tế và nhà phân tích kinh tế đều thừa nhận, với vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới, cộng thêm sức mạnh quân sự và thực tế hiện nay không nước nào đủ sức thay thế ngôi vị của Washington, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc lãnh đạo thế giới trong tương lai gần.

 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công đã buộc nhiều người phải đặt câu hỏi về uy tín và ảnh hưởng của Mỹ liệu có bị tổn hại gì hay không. Mới đây, Trung Quốc, nước đang giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất, đã kêu gọi Washington hành xử có trách nhiệm và bảo vệ các nhà đầu tư.

 

Các đồng minh của Mỹ lo sợ, cuộc tranh cãi chưa thấy hồi kết trong Quốc hội Mỹ sẽ làm xói mòi sự tín nhiệm đối với nước Mỹ và càng làm suy yếu khả năng của cường quốc này trong việc áp đặt ảnh hưởng tại Trung Đông và các điểm nóng khác trên thế giới.

 

Các đồng minh của Mỹ cho rằng chẳng ai muốn kinh tế Mỹ suy sụp. Song, nhiều chuyên gia phân tích trên toàn cầu cho rằng, Mỹ đang ở thời điểm mất khả năng lãnh đạo thế giới bằng lời nói, hành động và sự mẫu mực của mình.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp Charles de Courson nói lịch sử cho thấy một nước càng mang nhiều nợ thì tầm hưởng thế giới sẽ giảm, giống như trường hợp của Anh sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Cònn theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Hans Eichel, sự mâu thuẫn giữa hai chính đảng ở Mỹ sẽ làm nguy hại đến vị thế cũng như ảnh hưởng của Mỹ trong mọi lĩnh vực. Theo ông, vỡ nợ đồng nghĩa với việc Mỹ không còn được xem là cường quốc kinh tế đáng tin cậy nữa.

 

Xem ra những nguy cơ trên nếu thành hiện thực, thì thế giới sẽ chứng kiến không ít sự đổ vỡ. Tuy nhiên, giới phân tích dự kiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ sẽ đi đến thỏa hiệp vào phút chót nhằm tránh để nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi vào tình trạng bị vỡ nợ.

 

Theo các nhà phân tích thì cuộc khủng hoảng này thực chất là một ván bài cân não giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, hay nói một cách ví von thì đây là "cuộc so găng" giữa lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa.

 

Những phát biểu liên tiếp gần đây của Tổng thống Barack Obama cũng như phát biểu của Chủ tịch Hạ viện John Boehner gián tiếp cho thấy rõ các cuộc thương lượng hiện nay không dính dáng gì đến trần nợ công hay thâm hụt ngân sách.

 

Các chính trị gia Mỹ không bận tâm mấy đến ngày 2/8 mà thực chất họ đang nỗ lực hết sức cho ngày 6/11/2012 - ngày bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ. Trước thềm tổng tuyển cử, bất kỳ vấn đề kinh tế nào cũng sẽ là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chính trị tại Washington.

 

Vì thế, cuộc chiến về nâng trần nợ và giảm chi tiêu đã được dùng làm vũ khí để hạ gục đối thủ. Sự tê liệt của Washington nói một cách khác chẳng qua là tuồng diễn chính trị trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012 và thỏa thuận cuối cùng cũng sẽ được đưa ra vào phút chót.

 

Theo Reuters, hiện nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ vẫn tiếp tục cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ thêm gần 3.000 tỷ USD theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn một tăng trần nợ thêm 1.000 tỷ USD, đồng thời cắt giảm 1.000 tỷ USD chi tiêu của các cơ quan chính phủ trong 10 năm tới.

 

Trong giai đoạn hai, một ủy ban đặc biệt của Quốc hội sẽ được lập vào cuối năm nay để xác định các khoản tiết kiệm ngân sách bổ sung, và mức tăng trần nợ công lần hai sẽ bằng tổng các khoản tiết kiệm này. Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ gia hạn quyền được vay của Bộ Tài chính Mỹ tới năm 2013.

 

Theo Hồng Ngọc
VnEconomy