Mỹ sốt vó khi bị Trung Quốc đánh các biểu tượng thương mại
Năm 2015 là năm của những trận đại hồng thủy, nơi mọi thứ trên thế giới thay đổi hoàn toàn chỉ trong một tích tắc.Chưa khi nào sự thăng trầm của các biểu tượng thương mại lớn của thế giới lại rõ rệt như thời điểm hiện tại.
Đã có người dự báo năm 2015 là năm của những trận đại hồng thủy, nơi mọi thứ trên thế giới thay đổi hoàn toàn chỉ trong một tích tắc. Và điều này cũng đang đúng với những biểu tượng lớn của thương mại thế giới, chưa khi nào sự thăng trầm của các biểu tượng thương mại lớn của thế giới lại rõ rệt như thời điểm hiện tại.
Tháng đầu tiên của năm 2015 chứng kiến không chỉ sự đổi ngôi, mà còn là cả một xu hướng mới. Không hẹn mà gặp, các biểu tượng kỳ cựu của thế giới thi nhau thoái trào, đó là McDonald’s, đó là Barbie, hai biểu tượng thương mại đại diện cho nền kinh tế và văn hóa của Mỹ trong quá khứ.
Khó có thể có một biểu tượng nào đại diện tốt hơn cho sự bành trướng và lan tỏa ảnh hưởng của văn hóa Mỹ trên toàn thế giới hơn là McDonald’s, biểu tượng chữ M vàng chóe của McDonald’s khiến không ít người dân ở nhiều nước khó chịu vì sự kệch cỡm và lố lăng lại trở thành một biểu tượng của xu thế mới đang diễn ra ở các nước trên thế giới.
McDonald’s xuất hiện ở đâu, là đất nước đó coi như đã chọn con đường hội nhập với xu thế toàn cầu hóa thay vì đóng cửa như trong câu chuyện chiếc Lexus và nhành Oliu. McDonald’s xuất hiện ở đâu, đó sẽ được coi là dấu hiệu của miền đất hứa đang mời gọi các nhà đầu tư quốc tế.
Thế nhưng, biểu tượng của thương mại toàn cầu ấy đang đối mặt với một sự thoái trào lớn nhất trong lịch sử. Ngay trong những ngày đầu năm 2015, McDonald’s tuyên bố sa thải CEO Thompson sau khi đã có một năm kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử, năm 2014 là năm mà tập đoàn đồ ăn nhanh này sụt giảm doanh thu lần đầu tiên kể từ năm 2002.
Đó cũng đang là tình trạng chung với các biểu tượng Fastfood khác của Mỹ như KFC hay Burger King. Burger King đang đối mặt với cáo buộc trốn thuế do muốn giảm thiệt hại từ việc lợi nhuận giảm sút, trong khi đó KFC cũng đang đối mặt với một sự tẩy chay lớn do cáo buộc có chất gây ung thư trong các món ăn của hãng này.
Lý giải sự thoái trào đồng loạt của các biểu tượng thương mại và văn hóa, từng được coi là những ông trùm giàu quyền lực nhất trong lĩnh vực đồ ăn nhanh của nước Mỹ và trên toàn thế giới này, chuyên gia Jean Noel Kapferer bình luận: “Một thương hiệu giống như một tấm ván lướt sóng, muốn thành công thì phải tìm được đúng làn sóng và trượt được trên làn sóng ấy”.
McDonald’s, KFC hay Burger King đã thực hiện chiến lược này một cách tuyệt vời trong quá khứ, khi cả thế giới đang say sưa với làn sóng toàn cầu hóa và các biểu tượng của nó, khi thưởng thức các món ăn nhanh kiểu Mỹ được coi là dấu hiệu của thời thượng. Nhưng giờ đây, khi cơn sốt đó đã qua đi, thì thế giới lại tiếp tục tìm kiếm những xu hướng và biểu tượng mới.
Một lý do khác, cũng đến từ chính thành công của các biểu tượng này trong quá khứ. Những McDonald’s hay KFC đã là những thương hiệu toàn cầu, bành trướng ra hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới, như McDonald’s có tới 36 ngàn cửa hàng trên khắp thế giới, với quy mô và tầm cỡ quá đồ sộ của mình các thương hiệu này trở nên chậm chạp và khó thích ứng hơn bao giờ hết do thiếu sự nhạy bén và linh hoạt cần thiết.
Ngoài ra, việc bị coi là biểu tượng bất khả xâm phạm của văn hóa Mỹ cũng là một áp lực đè nặng lên các thương hiệu này, sẽ rất khó có thể thay đổi bản thân nếu như humburger hay cánh gà chiên tiếp tục được coi là món ăn biểu tượng bất khả xâm phạm của người Mỹ, buộc các hãng này phải tiếp tục duy trì vai trò giữ gìn truyền thống văn hóa của quốc gia một cách cứng nhắc.
Trong khi các biểu tượng thương mại cũ như McDonald’s hay KFC thoái trào thì các biểu tượng mới lại xuất hiện và giành lấy ngai vàng nhanh hơn bao giờ hết. Người Trung Quốc đang hãnh diện hơn bao giờ hết với biểu tượng Alibaba khi ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử này đã chính thức trở thành người giàu nhất Châu Á và chiếm vị trí thứ 13 trên danh sách các tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Dù đang được người dân của nền kinh tế số hai thế giới coi là biểu tượng về công nghệ chứ không phải như thứ mà người Trung Quốc gọi là mấy món ăn tầm thường của nước Mỹ xa xôi, thì biểu tượng Alibaba và Jack Ma vẫn được xem là sự trỗi dậy của một thương hiệu mới do đánh trúng vào thị hiếu của khách hàng.
Sở dĩ như thế, là vì giống như cơn sốt thích ăn bánh mì kẹp và khoai tây chiên của McDonald’s của giới trẻ trên thế giới trước đây, việc mua sắm trực tuyến bằng máy tính hay Smartphone cũng đang được xem là một cơn sốt mà giới trẻ Trung Quốc đang say mê. Các chuyên gia nhận định việc bành trướng quá nhanh của thương mại điện tử như Alibaba trong thời gian qua chỉ là một hiện tượng nhất thời, và nó sẽ nhanh chóng cân bằng trở lại khi cơn sốt mua hàng trực tuyến của giới trẻ qua đi.
Và dù McDonald’s hay KFC đang thoái trào thì việc họ duy trì được vị thế của mình trên thế giới lâu như thế cũng sẽ là một thách thức lớn với những thương hiệu mới nổi như Alibaba. Đơn giản là vì, việc tìm đúng cơn sóng và trượt được trên nó không phải là một việc dễ.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg