Mỹ phẩm “ngậm” độc chất… bán tràn lan

Trào lưu đua nhau mua mỹ phẩm về làm trắng da cấp tốc đang tăng mạnh tại Việt Nam. Trắng đâu chưa thấy, hàng loạt các vụ cấp cứu và tử vong do mỹ phẩm trôi nổi đã xảy ra và đang được các bác sĩ lên tiếng cảnh báo...

 

Mỹ phẩm “ngậm” độc chất… bán tràn lan

Mỹ phẩm không không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan tại chợ đêm Biên Hùng (Đồng Nai). Ảnh: T.L  
 
Những ca cấp cứu phỏng do mỹ phẩm

 

Mới đây nhất, hai nạn nhân là anh em ruột N.V.M (23 tuổi) và N.V.T (20 tuổi) trú tại xã Tân Hội (Vĩnh Long) được đưa đến cấp cứu tại BV Đa khoa Châu Thành, (Đồng Tháp) trong tình trạng phỏng nặng ở tay chân. Theo người nhà nạn nhân, trước đó, hai anh em mua kem tẩy tế bào chết về sử dụng. Sau khi thoa mỹ phẩm làm trắng, cả hai bị mệt, buồn nôn, da bắt đầu bị phỏng. Các BS nhận định, cả hai nạn nhân bị phản ứng và phỏng da độ 1 do hoá chất.

 

Tương tự như trường hợp trên, chị T.T.T.H (31 tuổi) trú tại Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng là nạn nhân của mỹ phẩm làm trắng da. Chị H được đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng co giật, nôn ói, toàn thân bị nổi mẩn đỏ... Được biết, trước khi nhập viện, chị H đã mua kem làm trắng da ở tiệm tạp hoá gần nhà về sử dụng. Một giờ sau đó, người nhà phát hiện H bị sùi bọt mép, nôn ói, co giật và tím tái nên đã đưa đến BV cấp cứu. Theo các BS, bệnh nhân đã bị dị ứng mỹ phẩm tẩy trắng da, bỏng hoá chất 90% diện tích da.

 

Nguy hiểm nhất là trường hợp nạn nhân N.N.B (15 tuổi) ở  xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã bị tử vong sau khi dùng mỹ phẩm trắng da. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng sốt, nôn mửa, khó chịu và tử vong sau khi đưa đến cấp cứu tại BV Đa khoa Sa Đéc. Theo gia đình nạn nhân, trước đó, B đã được tư vấn mua mỹ phẩm từ quán vỉa hè về sử dụng. Mặc dù các BS đã truyền dịch, sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn đặt nội khí quản nhưng bệnh diễn tiến quá nhanh. Sau 15 phút nhập viện, bệnh nhân ngưng thở.

 

Nguy hiểm từ mỹ phẩm trôi nổi bán theo ký!

 

Mỹ phẩm trắng da, trôi nổi, nhái hàng hiệu đang được bày bán nhan nhản tại chợ Kim Biên, An Đông, Tân Bình, Phạm Văn Hai... Chỉ cần đưa ra yêu cầu mỹ phẩm làm trắng da là hàng loạt sản phẩm được giới thiệu từ cao cấp đến không có nhãn hiệu. Đối với loại kem có thành phần nha đam, ngọc trai giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/chai loại 100ml; từ bùn thiên nhiên giá 50.000 - 60.000 đồng; chiết xuất từ nhân sâm giá từ 100.000 - 120.000 đồng đều được người bán khẳng định có xuất xứ từ Đài Loan... Nếu mua sỉ theo kilôgram thì sẽ có giá khác.

 

Theo lời người bán, phần lớn các tiệm làm tóc, massage đều mua mỹ phẩm này theo ký. Chẳng hạn, sản phẩm sữa tẩy trắng da Apricot Scrub, ở chợ An Đông (Q.5) được giới thiệu nhập khẩu Mỹ, giá bán 110.000đ/chai 50ml. Trong khi ở chợ Kim Biên sản phẩm này giá sỉ bán ra chỉ 15.000đ/chai.

 

Sợ nhất là loại mỹ phẩm tẩy trắng da có chứa hydroquinone. Ở Châu Âu, hydroquinone đã bị cấm dùng vì nghi ngờ có khả năng gây ung thư và tại Mỹ chỉ được dùng nếu có toa của BS. Ngược lại ở VN, loại hoạt chất có trong mỹ phẩm tẩy trắng da được rao nhan nhản trên mạng. Chẳng hạn, sản phẩm làm trắng da Lightening Serum GloProfessional (có thành phần hydroquinone là 2%); Obagi và Neova Complex HQ Plus có hydroquinone lên đến 4%... Ngoài ra, một số mỹ phẩm làm trắng da rẻ tiền có cả hoạt chất corticoid, hàm lượng thuỷ ngân cao gây nguy hiểm đến sức khoẻ người sử dụng.

 

Theo BS Lê Thái Vân Thanh - Bộ môn da liễu, ĐH Y-Dược - nếu mỹ phẩm có hoạt chất hydroquinone dùng quá độ sẽ bị tai biến, gây nên bệnh da xám nâu. Đây là bệnh do lắng đọng sắc tố xanh đen, không hồi phục được. Kết quả vùng da thoa thuốc sẽ bị xám, xanh, đen.

 

Trước thực tế, kem tẩy trắng da trôi nổi, kem trộn đang được bày bán rộng rãi, BS Võ Thị Bạch Sương - giảng viên bộ môn da liễu, Trường ĐH Y-Dược, TPHCM - khuyến cáo, tình trạng dùng kem tẩy trắng da cấp tốc, không nhãn mác rất nguy hiểm. Cần lưu ý, khi bôi kem trên diện tích da rộng thì các hóa chất trong kem “tẩy trắng” sẽ gây ra các tác dụng phụ với mức tương đương với đường uống, hay đường tiêm chích. Đối với các loại kem trộn trên thị trường nếu được trộn từ 2 chất trở lên có nguy cơ tương kỵ rất lớn có tác hại khác nhau, như dị ứng, lột da, phỏng da, độc cho máu, thậm chí tử vong.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động