1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Mỹ đưa Việt Nam vào diện thao túng tiền tệ, không ảnh hưởng đáng kể"

Quế Sơn

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản 2021" vừa diễn ra tại TPHCM.

Tại hội thảo trên, chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp, ngành hàng xuất sang thị trường Mỹ sẽ chịu sức ép, sau khi Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Tuy nhiên nếu nhìn trên diện rộng, bản thân nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ không có ảnh hưởng đáng kể.

"Vấn đề khi đưa Việt Nam vào danh sách thì hình thức trừng phạt từ phía Mỹ là như thế nào. Bởi vì, đây mới là vấn đề có tác động. Cụ thể, nếu không có hình thức trừng phạt thì chỉ là anh đang bị sức ép, anh sẽ phải có động thái đàm phán. Tác động tỷ giá đầu tiên là Việt Nam sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, tức sẽ có lên có xuống", ông Thành nói.

Mỹ đưa Việt Nam vào diện thao túng tiền tệ, không ảnh hưởng đáng kể - 1
Ông Nguyễn Xuân Thành (vest đen) và ông Sử Ngọc Khương tại hội thảo

Chuyên gia này khẳng định: "Theo tôi, quan điểm nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam vì tỷ giá ổn định là quan điểm sai lầm. Việc tỷ giá ổn định là áp lực trong nước, nhiều doanh nghiệp trong nước muốn ổn định, nhưng về mặt kinh tế, tỷ giá là thị trường, muốn là nền kinh tế thị trường thì tỷ giá phải lên xuống hàng ngày mà chúng ta lại muốn ổn định…".

Cũng theo ông Thành, sắp tới tỷ giá phải điều hành linh hoạt hơn, sẽ có lên có xuống. Kịch bản xấu nếu như có hành động trừng phạt, chẳng hạn như áp thuế thì việc áp thuế sẽ rất tiêu cực, đồng tiền sẽ bị mất giá trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn đồng tiền xuống xong sẽ phải lên trở lại.

"Nếu tình huống xấu xảy ra, chưa chắc chúng ta có bức tranh màu hồng là dòng vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Nếu người ta vẫn sợ rủi ro, Việt Nam vẫn ở trong danh sách thao túng tiền tệ, đó là những tác động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào. Ngoài ra, các doanh nghiệp, các ngành hàng xuất sang thị trường Hoa Kỳ sẽ chịu sức ép. Tuy nhiên nếu nhìn trên diện rộng, bản thân nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều…", ông Thành đánh giá.

Hiện đang lo ngại vấn đề lạm phát, ngân hàng trung ương bơm tiền, Việt Nam cũng đang đầu tư công, nếu nhà đầu tư rút tiền về thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế?

Đối với vấn đề lạm phát, nhà đầu tư rút sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, với góc độ cá nhân, doanh nghiệp, trong điều kiện kinh tế, chính trị bất ổn, chiến tranh xảy ra thì hầu hết kênh tích trữ của người dân là vàng và bất động sản.

Trong những điều kiện khó khăn, người dân sẽ chuyển dòng tiền của họ thành những hình thức đầu tư khác để bảo đảm được tài sản và có thể kiểm soát được. Đối với dự án đang phát triển tức là đang làm thủ tục giấy tờ, làm quy hoạch 1/2000, 1/500, thiết kế,… nếu có khó khăn hơn đi nữa thì doanh nghiệp cũng phải làm.

Tuy nhiên, ở thị trường văn phòng, chúng ta có xấp xỉ 2 triệu m2 sàn, so với các thị trường khác như Băng Cốc, Jakarta, Singapore hơn 10 triệu m2 sàn. Hiện tại, chúng ta không có trên 10 cao ốc văn phòng hạng A, không quá 40 tòa nhà văn phòng hạng B.

Mỹ đưa Việt Nam vào diện thao túng tiền tệ, không ảnh hưởng đáng kể - 2
Dù thị trường có khó khăn nhưng nhu cầu bất động sản vẫn còn

"Thực ra thị trường chúng ta rất nhỏ, khó khăn thì khó khăn nhưng nhu cầu vẫn có. Đối với khách sạn, một nhóm là City Hotel thực sự khó khăn là có. Nhưng đối với những ông chủ như thế này sẽ không bao giờ bán vì nó chỉ mang tính cục bộ trong một hai năm. Đối với các nhà đầu tư trong nước, có nhiều nhóm nhà đầu tư có nguồn lực, họ đi mua bán lại, thậm chí là ở cả nước ngoài", ông Khương chia sẻ.

Cũng theo ông Khương, thị trường có khó khăn đi nữa thì nhu cầu đối với bất động sản vẫn còn. Đây là câu chuyện dài hơi, chứ không phải năm sau khó khăn bởi vì chính sách này chính sách kia. Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất là chính sách pháp lý, còn các yếu tố khác như lãi suất tăng thì doanh nghiệp cũng sẽ xử lý được.