Mỹ dỡ lệnh cấm bay với Boeing 737 MAX
(Dân trí) - Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vừa cấp phép bay trở lại cho dòng máy bay 737 MAX của Boeing, kết thúc lệnh cấm bay kéo dài suốt 20 tháng qua đối với dòng máy bay này sau 2 vụ thảm họa hàng không.
Đây là kết quả mà Boeing đạt được sau khi có những điều chỉnh về chương trình đào tạo lái máy bay và nâng cấp phần mềm chi tiết để có thể tiếp tục thực hiện các chuyến bay thương mại sau gần hai năm “đắp chiếu” - quãng thời gian cấm bay lâu nhất trong lịch sử hàng không thương mại.
Trước đó, vào tháng 3/2019, dòng máy bay này đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau khi 346 hành khách thiệt mạng trong hai vụ tai nạn của Lion Air (10/2018) và Ethiopian Airlines (03/2019).
Theo điều tra, phía Boeing đã mắc sai lầm chủ yếu ở Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS), vốn được thiết kế để chống thất tốc (luồng khí đi qua cánh máy bay quá yếu để tạo ra lực nâng).
FAA đã yêu cầu Boeing bổ sung một số biện pháp an toàn với MCAS, bao gồm việc thiết lập nó nhận dữ liệu từ hai cảm biến. Các thay đổi về quy trình tổ bay và cải tiến công tác đào tạo phi công cũng được thực hiện.
Trước khi đi đến quyết định trên, vào ngày 30/9, FAA đã thực hiện chuyến bay kiểm tra Boeing 737 MAX kể từ khi dòng máy bay này bị cấm bay từ tháng 3/2019.
Hai vụ tai nạn diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng đã hủy hoại danh tiếng của Boeing và FAA, cơ quan từng có mức tín nhiệm “tiêu chuẩn vàng” trong số các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới.
Trả lời phỏng vấn Reuters, Cục trưởng FAA- ông Steve Dickson sau khi ký lệnh cho phép dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã khẳng định: “Tôi tự tin 100%. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo những vụ rơi máy bay sẽ không xảy ra nữa”.
Dự kiến, hãng hàng không American Airlines sẽ mở chuyến bay thương mại sử dụng 737 MAX đầu tiên vào ngày 29/12 tới đây sau khi lệnh cấm đối với dòng máy bay này được dỡ bỏ.
Trong khi đó, hãng hàng không Southwest Airlines - đơn vị vận hành dòng máy bay MAX lớn nhất thế giới - cho biết, đến quý II/2021, hãng mới sử dụng lại 737 MAX. Các cơ quan quản lý hàng đầu ở châu Âu, Brazil và Trung Quốc cũng phải đưa ra phê duyệt riêng cho các hãng hàng không của họ sau các đánh giá độc lập.
Tuy nhiên, FAA cũng cho biết thêm rằng, một khi 737 MAX được đưa trở lại đường băng, Boeing sẽ phải cung cấp một phòng tác chiến 24/7 và trực tiếp điều hành việc giám sát tất cả chuyến bay để đề phòng các vấn đề có thể ảnh hưởng đến “màn tái xuất”, từ bộ phận hạ cánh bị kẹt cho đến các trường hợp y tế khẩn cấp.
Đây không phải lần đầu tiên Boeing phải ngừng hoạt động toàn bộ một dòng máy bay. Năm 2013, dòng 787 Dreamliner của Boeing cũng phải ngừng bay do lỗi pin. Hiện Boeing vẫn tiếp tục sản xuất 787, song song với việc tìm cách sửa lỗi.