Mỹ áp thuế chống bán phá giá “sốc” với thép Việt Nam

(Dân trí) - Bộ Thương mại Mỹ vừa phát đi thông cáo cho biết, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc.


Sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%.

Sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%.

Theo đó, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.

"Đối với những nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép xuất khẩu vào Mỹ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà không phải nguồn gốc không phải từ Trung Quốc”, thông cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết.

Đây là một trong những động thái thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ hàng hóa và thị trường Mỹ, trong đó phần lớn nhắm đến hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Riêng với sản phẩm thép, đây cũng được coi là một bước leo thang trong những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn tình trạng thép Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, đây mới là mức thuế sơ bộ ban đầu, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố quyết định cuối cùng vào tháng 2/2018. Các công ty nhập khẩu thép từ Việt Nam có thể xin miễn trừ thuế nếu chứng minh được nguyên vật liệu sản xuất những sản phẩm đó không có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trước đó, một số nhà sản xuất thép của Mỹ đã kiện lên Bộ Thương mại nước này cho rằng thép Trung Quốc được xuất sang Việt Nam rồi xuất sang Mỹ để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu của Mỹ.

Lượng thép Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt kể từ khi Mỹ áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm thép Trung Quốc lên tới 266% vào 2 năm trước. Cụ thể, lượng thép không rỉ nhập từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD ngay sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Trung Quốc vào năm 2015. Tương tự, lượng thép cuộn nguội xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ cũng tăng từ 9 triệu USD lên tới 215 triệu USD, thông cáo trên cho biết.

Đáng lưu ý, cách đây chưa lâu, trước thông tin "90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc", Bộ Công Thương của Việt Nam phát đi thông cáo khẳng định, có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu.

Tại thời điểm đó, Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương chưa nhận được thông tin nào từ phía Mỹ về việc sẽ tiến hành điều tra mặt hàng thép có nguồn gốc từ Trung Quốc gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ.

Không chỉ thị trường Mỹ, mà trước đó, truyền thông trong và ngoài nước cũng đưa tin, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết họ đã phát hiện ra thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam và gắn mác "Made in Vietnam" để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối.

OLAF cho biết, thép tráng hữu cơ do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU. Với chiêu trò này, doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu euro (9,6 triệu USD) từ EU.

Theo OLAF, lượng thép có liên quan tới vụ việc khá nhỏ và tình trạng này cũng đã chấm dứt từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người tham gia giao dịch trên thị trường, Việt Nam, mặc dù không gian lận, nhưng vẫn là 'trung tâm' để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các mánh khóe thương mại về thép.

Lâm An