Muốn tiết kiệm ư, dễ ợt với 52 mẹo ai cũng làm được dưới đây
(Dân trí) - 52 mẹo tiết kiệm dễ ợt, ai cũng có thể làm được dưới đây được chị Lê Nguyệt (Đắk Lắk) chia sẻ với Dân trí. Chị Nguyệt từng bỏ phố về quê và có cuộc sống khá yên bình.
Mua sắm
1. Thứ nhất, trước khi bỏ tiền mua một món đồ, bạn hãy tự hỏi mình đang mua tài sản hay tiêu sản. Đầu tiên bạn cần hiểu rõ: Tiêu sản là tiền mình bỏ ra mua sản phẩm, dịch vụ đó sẽ hao mòn dần theo thời gian và biến mất. Tài sản là món đồ đó giúp mình kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Tùy vào định nghĩa và cách sử dụng của mỗi người mà đồ vật đó là tài sản hay tiêu sản. Ví dụ, bạn bỏ ra 30 triệu đồng mua một cái laptop mới. Bạn dùng nó để sống ảo và lướt facebook, chơi game giải trí thì đó là tiêu sản. Nếu bạn dùng nó để học tập, làm việc online, bán hàng, dạy học, quảng cáo và kiếm thêm tiền thì đó là tài sản.
2. Thứ hai, bạn nên mua đồ tốt từ đầu để dùng được lâu. Ví dụ, bạn mua một bộ nồi từ 2014 tới nay vẫn sử dụng tốt, bạn dùng chiếc khăn tắm 6 -7 năm vẫn chưa bị rách. Có thể giá ban đầu, sản phẩm sẽ cao nhưng tính về lâu dài, chúng sẽ cực kỳ tiết kiệm.
3. Thứ ba, bạn nên chọn mua các sản phẩm tiết kiệm điện như máy giặt, tủ lạnh, điều hòa. Lúc đầu, bạn có thể phải bỏ ra số tiền lớn để mua, nhưng về lâu dài, hóa đơn điện trong nhà nhiều năm đều thấp hơn so với các nhà khác.
Thực phẩm
4. Nên áp dụng chiến lược "vét tủ lạnh": Nghĩa là, nếu trong tủ lạnh nhà bạn có những món chưa động tới, bạn hãy quyết tâm không đi chợ thêm mà dùng hết sạch những gì đang có trong tủ.
5. Nên sử dụng các dụng cụ đa chức năng: Giả sử, bạn có một cái nồi hầm mà có thể vừa giúp nấu cháo, bún, phở, bánh canh, miến, sữa chua, bánh flan, kho cá, nấu thịt đông, sốt vang.
6. Lên kế hoạch nấu ăn cho cả tuần: Với cách này, bạn sẽ có danh sách những đồ cần mua trước, bạn sẽ không gặp phải tình trạng mua quá nhiều đồ ăn mà cuối cùng lại không dùng tới.
7. Nấu ăn vừa đủ, không để dư thừa, không phải bỏ đi bất cứ thứ gì: Vì khi bạn đổ đồ ăn thừa vào thùng rác, nghĩa là bạn đang đổ tiền của mình đi.
8. Hãy ăn sáng ở nhà: Nếu tính tiền ăn sáng của cả gia đình bạn rồi nhân với 365 ngày, đây là một con số lớn. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể nấu nhiều hơn từ tối hôm trước và sáng hôm sau hâm lại và làm thêm một bát canh rau nữa là đủ. Hoặc bạn có thể dùng nồi hầm để nấu các món và ăn sau 30 phút, vừa tiết kiệm, lại đảm bảo sức khỏe.
9. Với đồ ăn, hãy chọn ít mà chất: Ví dụ, bạn ăn 5 hạt macca hoặc 15 hạt điều là đủ cung cấp chất béo cho cơ thể cần hàng ngày. Gạo lứt 1 bát sẽ tương đương với tầm 3 bát gạo trắng.
10. Tự đem đồ ăn trưa: Việc ăn ở ngoài hàng sẽ tiện lợi nhanh chóng nhưng nếu bạn dậy sớm hơn một chút, chuẩn bị đồ ăn trưa và đem đi làm, sẽ đảm bảo hơn, tiết kiệm hơn. Có rất nhiều món ăn bạn có thể làm một lần và dùng nhiều lần. Bạn chỉ cần cắm thêm cơm và thêm món rau luộc nào đó. Để không mất nhiều thời gian vào sáng sớm, bạn có thể chuẩn bị sẵn mọi thứ rồi để tủ lạnh, sáng mai lấy ra chế biến nhanh.
11. Tự đem nước uống: Điều này vừa giúp tiết kiệm, vừa giúp bảo vệ môi trường khi không thải ra trường các loại chai nhựa khó phân hủy.
12. Tự trồng đồ ăn: Nếu bạn có mảnh vườn, hãy trồng các loại rau củ theo mùa, đồ ăn vừa tươi ngon lại đúng theo ý mình.
13. Dùng hộp đựng thực phẩm thay cho màng bọc thực phẩm: Bạn chỉ cần mua một lần dùng cả chục năm, vừa gọn gàng sạch đẹp lại bảo vệ môi trường. Vì tiền mua màng bọc trong 2 năm đủ để bạn mua hộp đựng.
Quần áo và đồ dùng cá nhân
14. Hãy mua đồ khi cần: Nghĩa là mua đồ mà bạn thực sự cần thiết để phục vụ cho mình.
15. Nếu có thể, hãy mua đồ secondhand: Đồ này vừa rẻ, vừa "độc" và có chất lượng khá tốt. Hơn nữa, đây là hành động giúp bảo vệ môi trường.
16. Bảo vệ đồ dùng để kéo dài tuổi thọ: Bạn không nên để đồ ngâm, ẩm ướt trong thời gian dài, không lạm dụng máy sấy vì sẽ làm giảm tuổi thọ của quần áo.
17. Chỉ bấm máy giặt khi có đầy đồ: Mỗi lần tắm xong, bạn có thể để quần áo vào giỏ khô, đợi đến khi đầy rồi mới giặt bởi vì sẽ tiết kiệm được điện, nước, xà phòng tới 50%.
18. Mặc lại đồ chưa bẩn: Có những bạn chỉ khoác cái áo lên vài giờ, không mồ hôi, không bụi bặm là cho luôn vào máy giặt, điều này không cần thiết. Việc giặt quá nhiều lần sẽ làm giảm dáng và tuổi thọ của quần áo.
19. Sử dụng khẩu trang vải: Bạn hãy đeo khẩu trang vải ở những nơi thông thường và đeo khẩu trang y tế ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Điều này có lợi cho túi tiền của bạn và cả môi trường.
20. Đồ trang sức: Bạn hãy mua vài bộ thật đẹp, giá cao cũng được nhưng bạn sẽ luôn thấy yêu thích khi đeo chúng lên. Hơn là việc, bạn mua những đồ rẻ tiền chỉ dùng một lần và bỏ xó.
21. Dùng khăn lau thay cho giấy lau bàn, bếp: Nếu thực hiện được, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền nếu như đổi hết thành khăn lau và giặt khăn tái sử dụng thời gian dài
Nhà tắm và nhà vệ sinh
22. Dùng hết sạch sản phẩm trước khi mua mới.
23. Mua những vật dụng cần thiết theo số lượng lớn: Ví dụ như giấy vệ sinh là sản phẩm nhà bạn phải dùng thường xuyên với số lượng lớn. Thay vì mua lẻ giá đắt, thì sao bạn không chọn mua sỉ giá tốt.
24. Chọn mua giấy vệ sinh: Khi chọn giấy vệ sinh, bạn nên dùng tay bóp, nếu thấy xốp thì không mua, phải cứng chắc mới mua. Với cuộn chặt thì sử dụng được thời gian dài, còn loại xốp xốp, cuộn không chặt nên độ dài giấy có khi chỉ bằng 1/3 so với loại khác.
25. Sử dụng vừa đủ giấy vệ sinh cho mỗi lần dùng.
26. Phân biệt 2 nút bấm của bồn vệ sinh để chọn chế độ xả nước cho phù hợp, tránh lãng phí nước vì lãng phí nước chính là lãng phí tiền.
27. Mua vòi hoa sen và vòi nước để điều chỉnh lại lưu lượng nước chảy. Khi lưu lượng nước giảm còn 1/2, bạn vẫn có thể tắm rửa và thực hiện các hoạt động như cũ, chỉ là hóa đơn tiền nước hàng tháng sẽ giảm đi tới 50%.
28. Đổi các bóng đèn thành bóng tiết kiệm điện.
29. Lắp tấm pin năng lượng mặt trời để dùng bình nóng lạnh.
30. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng xà bông với đa công dụng như rửa tay, rửa mặt, tắm.
31. Dùng với lượng 1/2 so với khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhà sản xuất họ thường thiết kế đầu lấy kem đánh răng, sữa rửa mặt, dầu gội với đường kính to hơn mức cần thiết để bạn sử dụng cho nhanh hết và tiếp tục mua hàng. Tuy nhiên, chỉ cần với ½ lượng khuyến cáo, bạn vẫn sẽ đạt được mức độ sạch sẽ mong muốn của bản thân.
32. Khi rửa mặt và rửa bát, bạn hãy tắt nước khi đang không thực sự sử dụng.
Các quyết định mua sắm
33. Bạn hãy mạnh dạn xóa các ứng dụng mua sắm online nếu thực sự không cần thiết, tránh việc bạn mua hàng theo tâm lý đám đông, không đúng nhu cầu sử dụng.
34. Quy tắc đợi. Để ngăn chặn việc bạn bốc đồng mua một món hàng nào đó, bạn hãy đưa ra quy tắc đợi cho bản thân theo mức riêng của mình. Ví dụ, một món hàng có giá 100.000 đồng, nếu bạn muốn mua hãy đợi một ngày. Món một triệu đồng, bạn đợi 10 ngày, sau 10 ngày nếu bạn vẫn thấy thích thì mua. Sau khoảng thời gian đó, bạn sẽ nhận ra rằng, mình có thật sự cần chúng không.
35. Do it yourself (tự tay làm lấy), nghĩa là bạn chủ động trong sản xuất, sửa chữa, sửa đổi một thứ gì đó theo phong cách riêng mình mà không phụ thuộc vào sự hỗ trợ nào khác từ bên ngoài. Hiện nay, trên Youtube có dạy hầu như tất cả mọi thứ bạn muốn học, cho nên trước khi mua cái gì đó, bạn có thể tìm hiểu và tự làm.
36. Sửa trước khi thay mới: Ngày nay, mọi người hay bỏ tiền ra mua một cái quạt mới chỉ vì chúng ngừng quay, mua cái điện thoại mới chỉ vì có vấn đề nhỏ. Nếu bạn biết khắc phục, mua linh kiện về thay thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
37. Mua đồ hợp với nhu cầu: Trước khi mua đồ, bạn nên xem xét tới tính năng sử dụng và nhu cầu, nếu tốn nhiều tiền hơn cho các tính năng không được dùng tới, nghĩa là bạn đang lãng phí tiền bạc.
38. Đừng bắt đầu nghiện những thứ không tốt như rượu bia thuốc lá, cờ bạc: Vì chúng vừa lãng phí tiền bạc, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.
39. Bạn hãy ra khỏi các hội nhóm khoe nhà, khoe bếp, khoe xe nếu không làm chủ được tâm lý ham muốn vật chất. Vì khi bạn mua sắm những thứ không cần thiết, không phù hợp, đó là lãng phí.
40. Tận dụng cách học truyền thống: Thay vì ghi chú bằng các thiết bị điện tử hiện đại, bạn có thể sử dụng sổ giấy. Giả sử, bạn bỏ ra hơn 20 triệu đồng chỉ để mua một thiết bị với mục đích ghi chú thì bạn có thể mua một sổ 28.000 đồng ở hiệu sách.
41. Học cách so sánh giá: Có những mặt hàng rất khó để so sánh giá, nhưng nếu là mặt hàng chung nhiều nơi bán, bạn hoàn toàn có thể so sánh để chọn nơi giá tốt nhất, nếu chất lượng như nhau. Tuy nhiên, bạn phải cân nhắc kỹ uy tín của người bán, tránh mua phải đồ rẻ mau hỏng rồi lại mua mới.
42. Tận dụng các dịp siêu sale: Nếu bạn đã không xóa các ứng dụng mua sắm thì hãy chú ý các ngày giảm giá để mua được đồ rẻ, giá tốt.
43. Hãy giữ gìn sức khỏe: Nếu hàng ngày bạn để tâm, chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ không mất một cục tiền to đưa cho bác sĩ để chữa bệnh cho mình sau này. Đấy là một cách tiết kiệm số tiền lớn và lại còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
44. Học cách không mua đồ dùng một lần: Những thứ như bát đũa, chai nước dùng một lần thực sự tiện lợi trong một lúc nhưng lại gây thiệt hại to lớn cho môi trường. Hơn nữa nó làm ví bạn mỏng dần theo thời gian.
45. Nhớ tắt các thiết bị khi không sử dụng.
46. Trước khi đăng ký học gì đó, bạn hãy sắp xếp thời gian để tận dụng hết công suất thời gian trong khóa học.
47. Cùng nhau giải trí: Bạn và gia đình có thể tới các công viên chơi các trò chơi (không biết thì có thể tìm trên google). Hay cả nhà có thể cùng nhau xem một bộ phim trên Youtube, đọc một cuốn sách ý nghĩa.
48. Hãy chơi với những người cùng quan điểm.
49. Sống ở nơi có chi phí thấp: Nếu như bạn làm việc online, bạn có thể chọn một vùng quê có mức chi phí sinh hoạt thấp mà vẫn đầy đủ tiện ích. Bạn sẽ tiết kiệm được số tiền lớn để đầu tư hoặc dùng cho những việc ý nghĩa.
50. Tìm bạn đồng hành tiết kiệm: Bạn hãy rủ một số người bạn hoặc lập một nhóm nhỏ, cùng chia sẻ với nhau quá trình tiết kiệm để đạt một mục tiêu cụ thể nào đó.
51. Hãy đọc blog về tiết kiệm.
52. Nếu có thể, bạn hãy cưới một người vợ, người chồng biết tiết kiệm.
Bạn nghĩ sao về 52 lời khuyên tiết kiệm nói trên? Bạn ủng hộ hay không ủng hộ lối sống tiết kiệm?