1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mua nước của Nhà máy Sông Đuống đắt gấp 2 Sông Đà, Hà Nội muốn tăng giá bán cho dân

(Dân trí) - Nhà máy nước Sông Đuống chưa xây xong, UBND TP Hà Nội đã ký duyệt giá nước cho nhà máy nước Sông Đuống được bán ra cao gấp 2 lần các nhà cung ứng khác và nay đang lăm le tăng giá nước bán cho dân.

Như Dân trí đã đưa tin, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mới đây đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Đề xuất này ngay sau đó gặp phải những dư luận trái chiều.

Mua nước của Nhà máy Sông Đuống đắt gấp 2 Sông Đà, Hà Nội muốn tăng giá bán cho dân - 1

Cùng bán buôn, Nhà máy sông Đuống được Hà Nội mua giá gấp hai

Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của Thành phố, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.

Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/m3.

Theo tìm hiểu, việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ lớn đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp. Hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất của Hà Nội hiện nay là Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà. Hai đơn vị đều xử lý nước mặt của các con sông Đuống - sông Đà để cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho dân Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá mua buôn nước của Hà Nội với hai đơn vị lại có sự phân biệt lớn.

Nhà máy nước sạch sông Đuống được khởi công năm 2016, tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm và tổng đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. Dù dự án đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện và cấp nước nhưng TP Hà Nội khi đó đã có văn bản “lạ” ấn định giá nước mua buôn gấp đôi so với với giá bán lẻ nước bậc 1 hiện nay. 

Cụ thể, trong văn bản 3310 của UBND TP Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

“Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện”, văn bản do Phó chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản ký nêu rõ.

Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.

So sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chưa bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch sông Đuống.

Mua nước đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đuống cao gần gấp 2 lần giá bán của nhà máy nước sông Đà, người chịu thiệt không chỉ là người dân mà Hà Nội cũng thêm gánh nặng giải quyết vấn đề kinh phí bù giá.

Nhà máy Sông Đuống vận hành 100% công suất, Hà Nội phải bù lỗ ?

Với giá mua buôn cao, Nhà máy nước sông Đuống đi vào vận hành đã vô hình chung tạo áp lực tài chính lớn cho Hà Nội khi giá bán lẻ nước sinh hoạt đang thấp hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng Hà Nội sẽ bị “thâm hụt” ngân sách lớn từ việc bù lỗ này.

Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000 m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Bởi giá mua buôn của nhà máy nước sống Đuống là 10.264 đồng/m3 trong khi giá nước sạch tối thiểu hiện nay bán lẻ chỉ 5.973 đồng/m3. Như vậy, mỗi năm Hà Nội có thể phải bù lỗ cả ngàn tỷ nếu nhà máy Sông Đuống được vận hành tối đa công suất và giá bán lẻ nước không tăng. 

Đối với nhà máy nước Sông Đà, theo báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch sông Đà cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Như vậy, với giá bán lẻ hiện nay, Hà Nội thu lãi nếu tiêu thụ nguồn nước của sông Đà. 

Trong bài toán giá nước này, rõ ràng TP Hà Nội đang bị “mắc kẹt” vì một văn bản mua giá nước “trên trời” khiến nguy cơ bù lỗ cả trăm tỷ đồng. 

Nếu Hà Nội chấp thuận tăng giá nước, doanh nghiệp là Công ty nước sạch Sông Đuống được lợi nhất nhưng túi tiền của hàng triệu người dân Hà Nội bị thâm hụt nặng.

Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng cần có cơ chế minh bạch, rõ ràng trong việc tăng giá nước bởi nước là mặt hàng dân sinh, việc tăng giá có thể ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu dân Hà Nội.

Hà Anh