1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua vé máy bay “nhầm” địa chỉ: Tiền mất, tật mang

Hiện nay trên thị trường “mọc” lên nhan nhản các cơ sở bán vé máy bay “tự xưng” là đại lý của Vietnam Airlines - hãng bay có thị phần nội địa lớn nhất. Các phòng bán vé dởm này tung ra nhiều chiêu bán vé lừa bịp, còn người tiêu dùng do cả tin nên tiền mất, tật mang.

Những cơ sở bán máy bay giả mạo đại lý chính thức của các hãng hàng không đều trưng logo và thương hiệu rất công khai. Nhiều hành khách do không hay biết hoặc vì chủ quan đã không phát hiện ra.

Thực tế, sự lộn xộn trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ hàng không, cụ thể là sự giả mạo các đại lý bán vé máy bay của các hãng hàng không đã diễn ra từ lâu, chuyện mua phải vé máy bay dởm đến giờ cũng không còn mới lạ. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều sự cảnh báo và khuyến nghị từ các hãng nhưng rất nhiều hành khách vẫn bị rơi vào “bẫy” của những kẻ lừa bịp nên đã phải ngậm ngùi nếm “quả đắng”.

Đem “con” bỏ… chợ và muôn kiểu lừa

Có lẽ chị Dung và người thân chưa thể quên sự việc hồi cuối tháng 7/2013 khi mua vé đi TP.HCM tại một điểm bán vé máy bay trên đường Trần Phú, Hải Phòng. Có vé trên tay mà không được đi, chị Dung đã rất bực mình và yêu cầu Vietnam Airlines giải quyết. Sau khi kiểm tra thông tin, nhân viên làm thủ tục tại sân bay Cát Bi phát hiện ra ngày đi trên tờ thông tin hành trình của khách là 30/7/2013 nhưng trên hệ thống đặt giữ chỗ lại là ngày 30/8/2013. Ngoài ra, nhân viên làm thủ tục còn phát hiện ra giá vé trên tờ thông tin của khách cao hơn giá thực tế khá nhiều.

Về sự việc này, kết quả điều tra cho thấy, cơ sở bán vé cho chị Dung là của công ty TNHH Giao dịch và dịch thuật Trần Phú tại 47 Trần Phú, Hải Phòng – đây không phải là đại lý của Vietnam Airlines. Cơ sở này đã mua 2 vé máy bay cho chị Dung tại đại lý của Vietnam Airlines với giá đúng là 3.530.000 đồng, ngày đi là 30/8, sau đó sửa thông tin ngày bay trên tờ thông tin của khách thành 30/7 và sửa số tiền vé để thu tiền chênh lệch đến hơn 1 triệu đồng mỗi vé.

Cơ sở giả danh đại lý Vietnam Airlines
Cơ sở giả danh đại lý Vietnam Airlines

Trường hợp vé mua chưa kịp sử dụng đã bị hoàn lại cũng không hiếm gặp. Đơn cử như sự việc của anh Đặng Nhật Tân (ở Hà Nội), anh Tân đặt mua 3 vé máy bay chặng Hà Nội - TPHCM tại cơ sở bán vé ở địa chỉ 139 Lò Đúc nhưng vé chưa thấy đâu mà hành trình thì nhỡ dở. Anh Tân sau đó đã gửi thông tin phản ánh lên Vietnam Airlines yêu cầu giải quyết.

Theo điều tra của Vietnam Airlines, do không phải là đại lý bán vé chính thức của hãng nên cơ sở ở 139 Lò Đúc đi mua vé của một đại lý chính thức rồi bán lại cho anh Tân. Tuy nhiên, sau khi xuất vé được một thời gian thì sơ sở này lại yêu cầu đại lý hoàn vé lấy tiền của khách.

Đây là trường hợp điển hình của tình trạng đại lý “ma”, khi bán vé cho khách vẫn xuất vé đầy đủ, khách gọi lên trung tâm của hãng để kiểm tra vẫn thấy thông tin là có thật. Tuy nhiên khi gần tới ngày đi, các đại lý “ma” này đã âm thầm làm thủ tục hoàn vé, lấy lại tiền và biến mất.

Sự lừa bịp của các cơ sở bán vé giả mạo được thực hiện bằng nhiều hình thức, không chỉ xảy ra với hành khách người Việt mà còn gây nhiều bức xúc và phiền toái với cả hành khách nước ngoài đến Việt Nam.

Theo phản ánh của chị Salvetti, chị mua vé cho gia đình từ Tp.HCM đi Phú Quốc trên trang web www.vietnamflight.net đã bị thu tiền nhiều hơn so với giá vé thực tế mở bán. Sự việc sau khi điều tra cho thấy phản ánh của hành khách là đúng sự thật. Theo đó, trang web này không phải là website của Vietnam Airlines mà là của công ty trung gian làm dịch vụ bán vé máy bay. Công ty này mua vé cho gia đình chị Salvetti từ đại lý chính thức của Vietnam Airlines với giá 7.161.000 VNĐ sau đó bán lại cho khách với giá 609.7 USD tương đương gần 13 triệu VNĐ.

Chưa có chế tài xử lý

Trong khi việc quản lý thị trường chưa chặt chẽ thì hàng loạt cơ sở bán vé chui, các điểm giao dịch trung gian và giả mạo đại lý bán vé chính thức của các hãng hàng không “mọc” lên như nấm, hệ luỵ là nhiều khách hàng bị hiệt hại nếu không tỉnh táo và thiếu cẩn trọng khi lựa chọn điểm giao dịch mua vé.

Theo khảo sát của Vietnam Airlines, trên cả nước có khoảng 1.500 cơ sở cung cấp dịch vụ vé máy bay. Trong đó, chỉ có hơn 400 cơ sở là đại lý bán vé máy bay chính thức của Vietnam Airlines. Vietnam Airlines quản lý các đại lý thông qua hợp đồng chỉ định đại lý, theo đó đại lý có trách nhiệm phải cung cấp đúng dịch vụ và giá vé theo quy định. Các đại lý vi phạm sẽ bị tạm dừng giao dịch một thời gian, thậm trí phải ngừng hoạt động nếu tái phạm.

Đại lý của Vietnam Airlines
Đại lý của Vietnam Airlines

Trao đổi về vấn đề đại lý giả mạo bán vé thu chênh lệch tiền gây bức xúc cho hành khách, đại diện Vietnam Airlines cho hay: Vietnam Airlines rất khó xử lý các trường hợp cơ sở trung gian thu thêm tiền của khách vì không có chế tài với các cơ sở này. Khi nhận được phản ánh, khiếu nại của khách liên quan đến dịch vụ của các cơ sở này, Vietnam Airlines chỉ có thể giúp hành khách kiểm tra thông tin vé trên hệ thống của hãng (hành trình, ngày đi, giá vé,…) và đề nghị khách giải quyết các vấn đề với cơ sở mà họ đã mua. Để phòng ngừa, Vietnam Airlines gửi công văn tới toàn bộ hệ thống đại lý thông báo về trường hợp đã xảy ra, đề nghị các đại lý dừng giao dịch với cơ sở trung gian đó. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines khuyến cáo khách hàng chỉ nên giao dịch với các phòng vé, đai lý chính thức của hãng. Trước khi quyết định mua vé khách hàng nên tham khảo danh sách phòng vé, đại lý chính thức của Vietnam Airlines trên website www.vietnamairlines.com mục “Đối tác bạn hàng”, hoặc nếu mua vé trực tuyến thì cũng chỉ nên mua vé tại website chính thức của hãng www.vietnamairlines.com.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm